Dự án “Âm nhạc tái chế” ở Tây Ban Nha

Cô gái trẻ 18 tuổi người Italy Cristina Vazquez lớn lên tại một khu ổ chuột ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, chưa bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó có cơ hội chơi violin. Nhưng giờ đây, cô đã trở thành một nghệ sĩ violin tài năng trong dàn nhạc đặc biệt của hơn 20 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, chơi nhạc cụ được làm từ vật liệu tái chế.
Dàn nhạc của dự án “Âm nhạc tái chế”
Dàn nhạc của dự án “Âm nhạc tái chế”

Cristina Vazquez là thành viên dàn nhạc của dự án “Âm nhạc tái chế”. Đây là ý tưởng của nhóm hoạt động vì môi trường Ecoembes của Tây Ban Nha, với mục đích thổi một luồng sinh khí mới cho các vật liệu phế thải, đồng thời hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở nước này. Trong những lần chứng kiến các em chơi đùa ở khu ổ chuột, nhóm đã nảy ra ý tưởng mở một dự án âm nhạc với hy vọng kéo lũ trẻ ra khỏi môi trường này. Dự án trên được truyền cảm hứng bởi tinh thần và nhiệt huyết của dàn nhạc Cateura đến từ Paraguay. Họ là những nhạc công xuất thân từ một khu ổ chuột và mang đến cho khán giả những bản nhạc diệu kỳ từ những loại nhạc cụ làm từ rác phế thải. Sau khi Ecoembes mời dàn nhạc Cateura biểu diễn ở Madrid vào năm 2014, nhóm đã quyết định thành lập một dàn nhạc tương tự của riêng mình trong cùng năm. 

Cây violin của Cristina Vazquez được tạo nên từ những vỏ lon nước ngọt nhiều màu sắc. Trong khi đó, các thành viên khác trong dàn nhạc chơi các loại nhạc cụ độc đáo làm từ hộp gỗ, thùng nhựa, dao kéo, khay lò nướng  hay những đồ phế thải khác. Người tạo ra các nhạc cụ tái chế này là nghệ nhân làm đàn thế hệ thứ ba Fernando Soler. Ông đến các bãi phế liệu để tìm các nguyên liệu thô, mày mò và tự làm ra những chiếc đàn violin độc đáo này.

Với đôi mắt lấp lánh niềm vui, Cristina Vazquez chia sẻ: “Em thực sự hạnh phúc vì dàn nhạc tái chế đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của em và mở ra cho em cánh cửa mới”. Cristina Vazquez đến với dàn nhạc từ năm 12 tuổi. Sau vài năm chăm chỉ luyện tập, Cristina Vazquez đã trở thành một trong những nhạc công xuất sắc nhất dàn nhạc. Đến nay, em cũng là giáo viên trực tiếp giảng dạy cho những em nhỏ mới gia nhập dàn nhạc. Với Cristina, dàn nhạc chính là ngôi nhà thứ hai của em, giúp em trưởng thành, hòa nhập hơn với cuộc sống xã hội và có khả năng giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình. 

Từ sự tâm huyết của nhóm Ecoembes và nghệ nhân Fernando Soler, những đứa trẻ ở đã có thể trình diễn tác phẩm của những bậc thầy âm nhạc thế giới như Bach, Mozart và Beethoven. Dàn nhạc tái chế của Ecoembes đã tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên chỉ 4 tháng sau khi thành lập và mang âm nhạc đến các thành phố trên khắp Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến một số buổi biểu diễn phải tạm thời hoãn lại vào phút chót do số ca mắc mới Covid-19 ở nước này tăng vọt. Dàn nhạc vẫn tiếp tục luyện tập với mong muốn sẽ cống hiến cho khán giả ở nhiều khu vực khác.

Hiện nay, dự án của Ecoembes đang tổ chức các lớp dạy chơi nhạc cụ cho hơn 100 trẻ em. Ecoembes cũng hy vọng có thể sớm mở thêm các buổi trao đổi, dạy cho trẻ em cách chế tạo nhạc cụ từ phế thải. Nghệ nhân làm đàn Soler chia sẻ, ước mơ của anh là chứng kiến các học sinh của mình trở thành những nghệ nhân làm đàn tái chế trong tương lai và cũng là những nhạc công giỏi.

Tin cùng chuyên mục