Với mức tăng trưởng ngoạn mục (trên 23% trong năm 2010), hàng dệt may xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang có nhiều lợi thế để tiếp tục tăng trưởng với mục tiêu khoảng 13 tỷ USD trong năm 2011. Và ngay trong 2 tháng đầu năm 2011, kim ngạch XK dệt may đã đạt hơn 2,2 tỷ USD – một con số kỷ lục.
Làm thay đổi những con số
Cách đây 5 năm, vào năm 2006, dệt may Việt Nam đứng 16/153 nước XK hàng dệt may trên thế giới. Dệt may Việt Nam leo lên tốp 5 nước XK dệt may hàng đầu thế giới vào năm 2010. Với sự tăng trưởng nhảy vọt này, ngành dệt may đang được đặt kỳ vọng vươn lên tốp 3 thế giới về XK dệt may trong năm tới.
Vị trí thay đổi, có hạng trên thị trường dệt may quốc tế là điều đáng tự hào, tuy nhiên phải cố gắng rất nhiều nữa, dệt may Việt Nam mới đạt được mục tiêu. Vì thực tế, với kim ngạch 11,2 tỷ USD trong năm 2010, dệt may Việt Nam cách quá xa với con số trên 200 tỷ USD của dệt may Trung Quốc và cũng còn một khoảng cách xa với các đối thủ cạnh tranh hơn ta nhiều mặt về nội lực cũng như thị trường như Mexico, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… Thứ hạng chỉ là đánh giá khả năng vươn lên của ngành, vấn đề là phải có bước tiến trong việc cải thiện nâng cao giá trị.
Ngoài con số giải quyết cho hơn 3 triệu lao động ở khoảng 3.700 doanh nghiệp dệt may trên cả nước mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa công bố, dệt may vẫn phải đau đầu với phép tính “xuất nhiều, nhập nhiều”. Theo số liệu công bố, trong 11,2 tỷ USD XK năm 2010, dệt may Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 9 tỷ USD nguyên phụ liệu.
Dù đã cải thiện so với trước, tỷ lệ sản xuất FOB (mua đứt, bán đoạn) của dệt may Việt Nam đã gia tăng lên khoảng 38% đơn hàng nhưng với tỷ lệ sản xuất ODM chỉ mới được 2%, dệt may khó gia tăng giá trị. ODM mới chính là “FOB thực chất” vì khi sản xuất ODM, nhà sản xuất phải tự thiết kế mẫu, chào bán đến khách hàng. Trong khi đó, FOB mà DN Việt Nam đang làm với chỉ một hình thức gia công giá cao. Với những dự án đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may đã đặt tham vọng đưa tỷ lệ FOB lên 50%, ODM lên 10% vào năm 2015 và tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% FOB, 20% cho năm 2020.
Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành dệt may có nhiều cơ sở để phát triển khi nhiều dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ đã và đang được triển khai thực hiện. Cụ thể, nhà máy sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư, với công suất 175.000 tấn/năm, dự kiến năm 2011 đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu dệt trong nước.
Ngoài các dự án đầu tư vào vùng nguyên liệu bông vải, ngành dệt may Việt Nam dự kiến đầu tư 6 KCN dệt và nhuộm ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Trà Vinh trong thời gian tới. Khi có được sức mạnh nội lực, làm chủ được nguồn phụ liệu tại chỗ, ngành dệt may đặt tham vọng nâng cao kim ngạch và thị phần XK vào các thị trường lớn. Theo đó, dự kiến năm 2015, dệt may Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần và đạt 10,5 tỷ USD ở thị trường Mỹ, so với kim ngạch 6,1 tỷ USD và 8% thị phần của năm 2010. Các thị trường EU, Nhật Bản cũng sẽ gia tăng thêm thị phần XK lên khoảng 2% so với thời điểm năm 2010.
Đối mặt khó khăn
Với đà tăng trưởng trong năm 2010, ngay trong những tháng đầu năm 2011, XK dệt may đã đạt được con số kỷ lục trong lịch sử XK của ngành. Dù không phải là những tháng cao điểm XK nhưng 2 tháng đầu năm, XK dệt may đã đạt 2,2 tỷ USD, riêng tháng 1-2011 đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 54,2% so với năm 2010. Ngay từ cuối năm 2010, các DN dệt may XK đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2011. Nhà nhập khẩu nước ngoài cũng chấp nhận điều chỉnh tăng giá bán thêm 15% - 20% để bù giá tăng chi phí đầu vào.
Sớm ổn định đơn hàng, nhà nhập khẩu chịu đàm phán, chia sẻ khó khăn phần nào làm DN sản xuất yên tâm. Mặt bằng giá mới của thị trường đang được điều chỉnh đã và đang đẩy chi phí sản xuất đầu vào tăng lên. Hiện nay, lo ngại của DN về việc cắt điện sản xuất đã bắt đầu. Nhiều DN dệt may tại TPHCM cho biết, trong khoảng 3 tuần nay, ngành điện đã bắt đầu cắt điện sản xuất từ 4 - 5 giờ/tuần. Ngành điện có thông báo thời gian cắt điện nên DN cũng chủ động bố trí hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các DN e ngại ngành điện sẽ tăng thời lượng cắt điện trong thời gian tới. Và điều này sẽ là trở ngại rất lớn với DN sản xuất, XK. Việc phải dùng đến máy phát điện là bài toán không hiệu quả, làm tăng chi phí đầu vào cho DN khi mà giá xăng, dầu đã tăng cao.
Thời điểm hiện nay, các thị trường Mỹ, EU khá thuận lợi. Tuy nhiên, thảm họa động đất, sóng thần vừa xảy ra ở Nhật Bản chắc chắn tác động đến XK dệt may Việt Nam. Các DN dệt may XK sang thị trường Nhật cho biết, tại thời điểm hiện nay các DN vẫn chưa nhận được những phản hồi bất lợi nào liên quan đến đơn hàng sản xuất, nhập khẩu của các đối tác từ thị trường Nhật.
Tuy nhiên, về lâu dài, thảm họa này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến DN. Hiện Nhật Bản là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Nhờ tận dụng tốt nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, được hưởng thuế ưu đãi từ cam kết của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA), XK vào Nhật đạt tăng trưởng cao trên 20% trong năm 2010 với kim ngạch 1,25 tỷ USD. DN Việt Nam hy vọng đây sẽ là lợi thế của dệt may Việt Nam, để các nhà nhập khẩu cân nhắc, tiếp tục lựa chọn Việt Nam làm nhà cung ứng dệt may cho Nhật trong thời điểm khó khăn này.
MỸ HẠNH