Ngày mai, 17-11-2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và Công ty CP Năng lượng VINABENNY (VinaBenny Energy JSC.) tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án kho cảng LPG lạnh tại Long An. Dự án này được đánh giá là một cột mốc đáng ghi nhớ của thị trường LPG Việt nam, bởi nó góp phần tăng sức chứa LPG với quy mô lớn, có công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới, có thể nhập khẩu LPG trực tiếp từ các nguồn lớn trên thế giới như Trung Đông, Úc,… với khối lượng qua kho hàng năm đạt đến 1 triệu tấn; góp phần giảm chi phí, giảm giá bán đến người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra khi đi vào hoạt động ổn định dự án sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương hàng ngàn tỷ đồng/năm.
Như chúng ta đã biết, khí dầu mỏ hóa lỏng, gọi tắt là LPG được sử dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới, LPG được xem như một nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu hay là một loại nhiên liệu sạch trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải.
Ở VN, số liệu từ Hiệp hội Gas cho thấy, nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng một cách nhanh chóng: năm 1991 nhu cầu LPG cả nước là 50.000 tấn; năm 2000: 400.000 tấn; năm 2010: 1.200.000 tấn. Trên thực tế, hiện nay VN đã tự sản xuất LPG trong nước từ Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cô và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với tổng sản lượng LPG sản xuất chiếm khoảng 40% nhu cầu của cả nước. Như vậy lượng LPG nhập khẩu năm 2010 khoảng 60% tổng nhu cầu cả nước.
Dự báo năm 2015 nhu cầu sử dụng LPG cả nước khoảng 1,5 triệu tấn và năm 2020 là 2 triệu tấn. Lượng LPG sản xuất trong nước nếu tính thêm Nhà máy Lọc dầu Số 2 Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Số 3 Long Sơn trong tương lai thì sản lượng LPG sản xuất trong nước chiếm 40%, còn lượng nhập khẩu chiếm 60%, tức khoảng 1,2 triệu tấn LPG nhập khẩu vào năm 2020. Chưa kể khi các cụm công nghiệp hóa dầu của VN đi vào hoạt động thì lượng nhập khẩu LPG sẽ còn cao hơn.
Những số liệu trên cho thấy nhu cầu và tiềm năng của thị trường LPG tại VN là rất lớn, thế nhưng hệ thống kho chứa LPG ở VN hiện nay có sức chứa rất nhỏ. Toàn quốc có 31 kho với sức chứa chỉ từ 500 tấn/kho đến 4.000 tấn/kho; trong đó chỉ mới có 4 kho có sức chứa trên 3.000 tấn. Điều này khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh LPG ở VN không có khả năng nhập khẩu trực tiếp với khối lượng LPG lớn từ các nguồn như Trung Đông; Úc… mà chỉ có thể đi mua lại LPG của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore... Đó cũng chính là điểm yếu lớn nhất của thị trường LPG ở VN.
Có thể nói, do lượng LPG tồn trữ thấp, chi phí vận chuyển cao nên mỗi khi thị trường có biến động, hoặc các nhà máy trong nước bảo dưỡng thì sẽ gây ra tình trạng khan hiếm hàng, khiến cho thị trường biến động, an ninh năng lượng quốc gia bị ảnh hưởng…
Nhận thức được những điểm yếu trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có chủ trương xây dựng những kho chứa LPG có sức chứa lớn, công nghệ hiện đại, từng bước góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cuối năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đã giao cho Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) tìm kiếm đối tác, tìm kiếm địa điểm để xây dựng kho LPG có quy mô lớn ở phía Nam. Sau một thời gian khảo sát, đàm phán và tích cực làm việc, dự án Kho cảng LPG Long An đã được hình thành. Và để thực hiện đề án này, ngày 31-12-2008 Công ty Cổ phần Năng lượng VinaBenny (VinaBenny Energy JSC.) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động (cổ đông sáng lập bao gồm: PV Gas South; Marubeni-Nhật Bản và Công ty Việt Long).
Như vậy sau 2 năm nghiên cứu Dự án được đánh giá là khả thi; Công ty VinaBenny đã trình các cấp có thẩm quyền chấp thuận và thẩm định về quy hoạch ngành; quy hoạch cảng biển quốc tế; thẩm định PCCC, v.v…, và đến nay dự án Kho cảng LPG Long An chính thức chuyển sang giai đoạn thi công xây dựng. Nhà thầu chính là Daewoo Engineering – Hàn Quốc; Nhà thầu xây dựng là Tổng công ty PVC- PetroVietnam thực hiện.
Dự án này được đánh giá như là một cột mốc đáng ghi nhớ của thị trường LPG Việt Nam, bởi nó góp phần tăng sức chứa LPG với qui mô lớn, có công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới, có thể nhập khẩu LPG trực tiếp từ các nguồn lớn trên thế giới như Trung Đông, Úc,… với khối lượng qua kho hàng năm đạt đến 1 triệu tấn; góp phần giảm chi phí, giảm giá bán đến người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra khi đi vào hoạt động ổn định dự án còn đóng góp cho ngân sách địa phương hàng ngàn tỷ đồng/năm.
|
HIỀN VY