Trước tình trạng vẫn còn sử dụng chất cấm ở một số hộ chăn nuôi, việc hình thành một dự án như LIFSAP với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của người chăn nuôi và mang nguồn thịt sạch đến cho người tiêu dùng là đáng trân trọng. Đây được xem là kênh đối trọng để dần đẩy lùi hiểm họa thịt bẩn, đảm bảo nguồn thịt chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Quầy bán thịt ở các chợ đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng đảm bảo điều kiện vệ sinh cho người dân.
Hiểm họa từ loại thịt không nguồn gốc
TPHCM được xem thị trường tiêu thụ lớn các loại thịt và sản phẩm động vật từ các tỉnh và nhập khẩu, do chăn nuôi tại đây thấp, chỉ chiếm 10,3% thịt heo và 0,76% thịt gia cầm. Vì vậy thành phố cũng trở thành thị trường béo bở cho các nguồn thịt không nguồn gốc, thịt bẩn, kém chất lượng.
Theo ông Phạm Ngọc Chí, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (thuộc Chi cục Thú y thành phố), riêng từ đầu năm đến nay, trạm phát hiện hơn 210 trường hợp vận chuyển thịt không đảm bảo vệ sinh thú y và phạt tổng cộng trên 642 triệu đồng. Thời gian gần đây, không ít đối tượng giở nhiều chiêu thức nhằm qua mặt cơ quan chức năng để tuồn thịt kém, mất chất lượng vào TPHCM tiêu thụ, gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
Các chuyên gia công nghệ thực phẩm khẳng định, khi thịt đã ôi thiu hay biến chất, nếu làm mới lại bằng hóa chất tẩy rửa thì độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần, người ăn vào có khả năng ngộ độc cao, nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến ung thư.
Cần lắm sự chung tay để đẩy lùi thịt bẩn
Ông Nguyễn Phước Trung, lãnh đạo của LIFSAP tại TPHCM, nhận định trong quá trình thực hiện, bên cạnh những mặt thuận lợi và đạt được những kết quả ngoài mong đợi, thì ở mỗi khâu của dự án đều có những khó khăn riêng: đó là việc thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời, chăn nuôi nhỏ không liên tục sẽ khó khăn khi thu mua, giết mổ, phân phối. Để dự án thành công hơn nữa, tiến tới “phủ sóng” nhiều hơn trên toàn thành phố, thì hơn hết cần sự đồng thuận chung tay của các doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng. Cụ thể là mọi người cùng ủng hộ ưu tiên kinh doanh và tiêu thụ thịt heo đạt chuẩn VietGAP từ dự án để góp phần đảm bảo được đầu ra cho người chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP, tham gia LIFSAP. Có như vậy thì dự án mới phát triển, được nhân rộng và các khâu của dự án đều được triển khai đạt yêu cầu. Khi đó, các khâu này sẽ liên kết thành chuỗi liên hoàn, tự thân vận hành và phát triển bền vững sau khi kết thúc dự án.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ (ĐT: 09133781616) - Doanh nghiệp ký kết thu mua heo đạt chuẩn VietGAP của nông dân do LIFSAP làm cầu nối - là công ty đầu tiên thực hiện thành công liên kết các khâu từ người nuôi, lò giết mổ, vận chuyển, đến quầy bán để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn chăn nuôi heo VietGAP cho biết: “Heo từ các hộ nuôi theo dự án đạt chuẩn khi xuất chuồng đều được đóng dấu VietGAP trên giấy chứng nhận kiểm dịch, tại lò được giết mổ bằng dây chuyền riêng. Khi ra thị trường cũng được cơ quan thú y đóng dấu VietGap, có kênh bán riêng để dễ phân biệt với thịt heo bình thường. Giá bán thịt heo VietGap hiện tại đang bán tại chợ Hòa Bình lại tương đương với giá thịt heo thường trên thị trường, có thể trong thời gian tới sẽ tăng giá bán heo VietGAP để tăng giá thu mua của người chăn nuôi đạt chuẩn, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư để chuyển hướng sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng một khoản tiền chi trả bằng nhau hoặc cao hơn chút ít nhưng lại cho hai nguồn thịt chất lượng khác nhau. Vì thế, người tiêu dùng cũng nên quan tâm lựa chọn loại nào tốt hơn để mang lại bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình”.
Chuỗi thịt heo an toàn khép kín sẽ giúp người sản xuất, các doanh nghiệp rút kinh nghiệm về việc tạo liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản để nhân rộng ra các sản phẩm thực phẩm khác không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn gắn kết các tỉnh để cung cấp thực phẩm an toàn, tạo thế mạnh cạnh tranh với nguồn thực phẩm ngoại nhập khi tham gia TPP.
* Dự án LIFSAP TPHCM khuyến khích người nuôi thực hành chăn nuôi an toàn trong các vùng ưu tiên tại 2 vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAP) ở huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, đồng thời đầu tư nâng cấp khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống. Là dự án triển khai theo chuỗi, trong đó, mỗi khâu từ quy trình chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, giết mổ và các quầy bán thịt VietGAP tại chợ đều có sự giám sát và lấy mẫu định kỳ phân tích về dịch bệnh, về kim loại, nấm mốc, dư lượng các chất cấm, nhất là nhóm beta - Agonist, cũng như đánh giá về tác động đến môi trường, đầu tư trang bị cho cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh, nơi xử lý chất thải...