Chiều 9-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Thực tế quyền lợi NTD đang bị xâm hại trầm trọng trong bối cảnh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, mua gian bán lận... tràn lan, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Vì vậy các ĐBQH đều cho rằng luật này là bức thiết. Thế nhưng, cơ quan soạn luật lại trình ra một “dự án luật quá tệ”!
Dự án luật này có tất cả 66 điều, nhưng theo ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) là quá thiếu và cũng quá thừa. Đây cũng là nhận định chung của hầu hết các ĐBQH khi cho ý kiến về dự án này. “Luật này quy định hết thảy các thứ xem ra có thể bảo vệ quyền lợi NTD, từ tổ chức Hội bảo vệ NTD, vấn đề hòa giải, thương lượng, trọng tài... thế nhưng thực chất lại không bảo vệ gì”, ĐB Lê Quang Bình (Thanh Hóa) nhận xét. Ông dẫn ra, tất cả những vấn đề này đều đã được quy định chi tiết trong các luật khác (Luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự...), không cần thiết phải đưa vào luật này. “Cái cần quy định nhất là trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD thì luật lại chỉ quy định chung chung của toàn xã hội, như vậy coi như NTD không được bảo vệ gì hết”, ĐB Lê Quang Bình bức xúc. Theo ông, luật này cần phải có, thậm chí phải có sớm vì cả xã hội đang trông đợi, nhưng đề nghị ban soạn thảo phải dỡ hết ra, làm lại, vì 3/4 nội dung luật này có thể bỏ đi. Nếu kỳ tới vẫn chưa chuẩn bị xong thì để lại, nhất định phải quy định được những vấn đề cụ thể để bảo vệ quyền lợi NTD.
Xây dựng luật theo kiểu “ngồi trên trời”, luật không thể thực hiện, không khả thi... là cụm từ được rất nhiều ĐBQH nhắc đi nhắc lại khi thảo luận về luật này. “Trách nhiệm quan trọng nhất về bảo vệ quyền lợi NTD phải là Nhà nước, không phải Hội Bảo vệ NTD. Muốn thế phải có lực lượng, trang thiết bị, chứ không thể quy định khơi khơi”, ĐB Trần Đình Long nói tiếp. Thí dụ, để hạn chế tình trạng cân gian, Nhà nước có thể đặt ở chợ, ở siêu thị, ở trung tâm thương mại một cái cân chuẩn để NTD tự bảo vệ mình. Hay tại những nơi này phải có ban quản lý có thể xử lý ngay khiếu nại của NTD khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Một điều phi lý mà các ĐB chỉ ra, đó là luật đưa ra quy định, khi quyền lợi bị xâm phạm, tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD phải thông báo 2 lần trước khi khởi kiện tổ chức kinh doanh, mỗi lần cách nhau một tháng. Ngoài ra, phải thông báo 3 lần, trong 3 ngày liên tiếp trên cơ quan báo chí ở TƯ. Ý kiến của nhiều ĐB đều cho rằng, quy định như vậy chỉ đánh đố, làm khó NTD. Với thủ tục phiền hà như vậy, NTD chắc chắn chọn cách thà để quyền lợi của mình bị xâm hại còn hơn chịu phiền hà. Dự án luật này kỳ vọng rất nhiều vào sức mạnh của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng theo ĐB Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) “ở các địa phương, hội này gần như không hoạt động, nhân sự chỉ có 1-2 người”. ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), dẫn chứng: “Ở Cao Bằng, hội chỉ có 30 triệu đồng kinh phí hoạt động/năm thì bảo vệ được ai”. Vì vậy, hầu hết ý kiến đều cho rằng, nếu thực sự muốn bảo vệ quyền lợi NTD, Nhà nước không thể khoán trắng cho hội. Cuối cùng, các ĐBQH đề nghị phải soạn lại luật này.
L.Nguyên - A.Phương
Đề nghị sớm sửa đổi những nội dung về tổ chức nhà nước trong Hiến pháp Sáng 9-6, thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, nhiều ĐBQH thẳng thắn yêu cầu khắc phục tình trạng chưa chuẩn bị kỹ dự án luật đã đưa vào chương trình, sau đó vì nhiều lý do khác nhau, lại xin rút ra. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận xét: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được QH thông qua bằng nghị quyết, tùy tiện thay đổi là không tôn trọng nghị quyết của QH”. Ông Minh đề nghị, nếu thấy cần thiết thì thay đổi quy trình làm luật và sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tránh tình trạng có luật mà không thực hiện đúng. ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) yêu cầu UBTVQH “kiên quyết hơn với cơ quan soạn thảo, kiểm điểm rõ trách nhiệm với những dự thảo chất lượng thấp”. Liên quan đến nội dung cụ thể của chương trình xây dựng pháp luật năm 2011, nhiều ĐB cho rằng, có những văn bản pháp quy hết sức quan trọng, có tác động xã hội sâu rộng, cần được đẩy nhanh tiến độ. Trước mắt, cần ưu tiên sửa đổi một số nội dung trong Hiến pháp 1992 liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước để kịp thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động bầu cử sắp tới. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) kiến nghị: “Việc xây dựng hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, rất có ý nghĩa đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hiện còn thiếu Luật Bảo hiểm tiền gửi, chứng khoán (sửa đổi)… Luật Thủ đô cũng nên làm sớm, tiếp theo là luật cho các đô thị lớn”. |