Dự án Luật Đầu tư công: Nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm minh bạch

(SGGP).- Sáng 16-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công.

(SGGP).- Sáng 16-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công.

Theo ông Bùi Quang Vinh, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Riêng về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 tới.

Vẫn theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư công đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đây chính là nội dung đổi mới quan trọng nhất của luật. “Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, đồng thời với việc xây dựng Dự án Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị 4 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật, gồm: (1) Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn; (2) Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư; (3) Dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; (4) Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư công.

Cũng trong sáng 16-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm với 84,34% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2015. Với 85,34% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ 1-7-2014.

ANH THƯ


 Đơn giản thủ tục hải quan, chống thất thu thuế

Chiều 16-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Theo các đại biểu (ĐB), điều quan tâm hiện nay là phải ngăn ngừa đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của quy định pháp luật để khai man, trốn thuế cũng như đáp ứng yêu cầu cải cách cao nhất, đặc biệt là trong thông quan điện tử.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo dự thảo, để khắc phục sự tùy tiện, gây khó khăn của cán bộ hải quan cho người khai hải quan, dự thảo đã quy định rõ thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc; giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa xuống 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình hàng hóa cho cơ quan hải quan (trên cơ sở áp dụng quy định về sử dụng máy soi hàng hóa trong container); trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc.

Đồng thời để giảm bớt giấy tờ phải nộp không cần thiết cho cá nhân, tổ chức khi làm thủ tục hải quan, dự thảo đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan, đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan như: hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa... Về chế độ ưu tiên, để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, dự thảo đã quy định rõ chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp, điều kiện áp dụng, quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan, của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.

Các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đều cho rằng cần thiết phải sửa Luật Hải quan cho phù hợp với việc hội nhập của Việt Nam cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan nhanh chóng, nhất là những doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên. Theo ĐB Vinh, việc sửa đổi luật là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn kể cả về công tác hiện đại hóa ngành, về hệ thống tổ chức và một số quy định của ngành nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng đồng thời tạo điều kiện để ngành hải quan chống được thất thu về thuế. Cùng với những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, cải cách hiện đại hóa thì đi kèm với đó là kiện toàn hệ thống tổ chức.

Tăng cường giám sát

Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), hải quan điện tử là xu hướng chung trên thế giới vì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp như: giảm thủ tục giấy tờ, thời gian đi lại, chống tiêu cực vì cán bộ và doanh nghiệp không gặp gỡ trực tiếp… Tuy nhiên, để thúc đẩy hải quan điện tử, các cảng biển, sân bay, cửa khẩu phải dành diện tích đất phù hợp làm nơi chứa hàng hóa nhằm thực hiện hải quan điện tử.

ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng đánh giá cao dự thảo luật đưa nội dung hải quan điện tử vào, tuy nhiên, ĐB này cho rằng, để thực hiện tốt phải có cơ sở dữ liệu quốc gia một cửa đầy đủ, hoàn thiện. Trong dự thảo cũng không nên chỉ quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan hải quan mà quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong cơ sở dữ liệu quốc gia một cửa.

Các ĐB Trần Ngọc Vinh, Đỗ Văn Vẻ đồng tình quy định hải quan điện tử nhưng cho rằng không nên quy định cứng tất cả các thủ tục, chi tiết trong luật vì sẽ khó áp dụng. “Sau 6 năm thực hiện thí điểm hải quan điện tử nếu thấy những quy định nào phù hợp thực tế, áp dụng không vướng mắc thì đưa cụ thể vào luật, điều gì còn khúc mắc nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể”, ĐB Vinh nói.

Cũng ủng hộ kê khai hồ sơ hải quan điện tử nhưng ĐB Đỗ Văn Vẻ cho rằng, dự luật mới quy định nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp, trong khi trách nhiệm hải quan còn mờ nhạt, đẩy khó cho doanh nghiệp. Cũng theo ĐB Vẻ, hải quan điện tử văn minh phù hợp với thế giới nhưng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát, vì hải quan điện tử cũng dễ bị gian lận, khai man trốn thuế. Đồng quan điểm, ĐB Vở đề nghị cơ quan hải quan cần nâng cao kiểm tra giám sát, đặc biệt là với hàng nhập khẩu về sản xuất làm xuất khẩu, cần chặt chẽ từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, gia công và xuất khẩu thành phẩm.

HÀ MY


Viện KSNDTC và Bộ Công an: Báo cáo xử lý kiến nghị tại kỳ họp trước

* Kỷ luật lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)

(SGGP).- Báo cáo hậu chất vấn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) và Bộ Công an vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Viện KSNDTC cho biết, ngay sau phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2013), lãnh đạo viện đã chỉ đạo toàn ngành bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động điều tra, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn, không để tồn đọng kéo dài; đặc biệt chú trọng các trường hợp kiểm sát viên đề nghị tòa án cho bị cáo phạm tội tham nhũng hưởng án treo; kiên quyết kháng nghị đối với bị cáo phạm tội tham nhũng mà tòa án cho hưởng án treo không đúng. Viện kiểm sát các cấp được yêu cầu không áp dụng tình tiết “phạm tội lần đầu”, “bị cáo có nhân thân tốt” nhằm xem xét cho bị cáo tham nhũng hưởng án treo…

Quán triệt chỉ đạo này, việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 52 đều đạt kết quả tích cực. Cụ thể, 4/4 chỉ tiêu cơ bản được giao đều vượt. Viện kiểm sát các cấp đã kiểm soát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố.

Hồi âm kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp QH trước, báo cáo của Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Công an TP Hải Phòng và lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, nắm tình hình và xử lý tình huống không tốt để gây ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Qua kiểm điểm đã xác định trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Công an huyện Tiên Lãng, trực tiếp là ông Lê Văn Mải, Trưởng Công an huyện. Ông Lê Văn Mải đã bị kỷ luật cảnh cáo và điều động công tác ở đơn vị khác.

Vẫn theo văn bản trả lời thì tập thể và cá nhân lãnh đạo Công an TP đã kiểm điểm nghiêm túc trước Ban Chấp hành Đảng bộ Công an TP và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Cá nhân từng lãnh đạo Công an TP cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã không lường hết sự yếu kém của cơ sở, nên không tham mưu với UBND TP Hải Phòng chọn phương án tốt nhất để xử lý vấn đề cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục