Để tạo sự thông thoáng và kéo giảm tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông ở tuyến đường cửa ngõ phía Đông Bắc, TPHCM đã triển khai dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay công trình chỉ triển khai thi công ở mức độ cầm chừng hoặc tạm ngưng thi công vì vướng mặt bằng. Điều này khiến tiến độ thi công của dự án bị chậm, tuyến đường càng trở nên quá tải...
Vướng mặt bằng
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (gọi tắt là CII) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 8.887 tỷ đồng (trong đó, CII đầu tư hình thức BOT, ngân sách TP thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Công trình có quy mô chiều dài tuyến 16km, mặt cắt ngang từ 113,5-153,5m với 14-16 làn xe, dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay dự án chỉ triển khai ở mức cầm chừng và làm theo dạng cuốn chiếu do vướng mặt bằng khiến công trình có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Cụ thể, ở khu vực thi công dự án di dời tái lập tuyến ống cấp nước thuộc Công ty TNHH Cấp nước Bình An, đoạn qua cầu Suối Cái phía Thủ Đức (một trong những hạng mục của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội), đơn vị thi công phải tạm ngưng thi công vì vướng mặt bằng. Do hạng mục thi công tuyến ống cấp nước chưa xong nên công trình thi công cầu Suối Cái sau khi triển khai thi công được một nửa phần cầu đành bỏ dở vì phải chờ phần tuyến ống cấp nước hoàn thành mới tiếp tục thi công.
Tương tự, ở phần đường chính đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến cầu vượt Thủ Đức, đơn vị chỉ triển khai thi công mở rộng mặt đường đoạn đối diện Nhà máy nước Thủ Đức đến cầu Suối Cái thuộc phường Hiệp Phú, quận 9 (chiều từ TPHCM về Đồng Nai); còn đoạn ngược lại và phần đường phía quận Thủ Đức (chiều từ Đồng Nai về TPHCM) chưa thể triển khai thi công khiến công trình như tấm “da beo”.
Theo Sở GTVT TPHCM, đến nay dự án mở rộng xa lộ Hà Nội sau khi triển khai thi công phần đường chính đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Cát Lái và đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức đã hoàn thành. Riêng đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến tiếp giáp dự án nút giao hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính Đại học Quốc gia được khởi công từ tháng 7-2011, hiện đang thi công cầm chừng do chưa có đầy đủ mặt bằng phía quận Thủ Đức để di dời đường ống nước Bình An. Đoạn từ nút giao thông hoàn chỉnh tại vị trí cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM đến nút giao Tân Vạn chưa có mặt bằng thi công.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc đầu tư-kinh doanh CII, cho biết: Do hiện nay các địa phương chưa bàn giao mặt bằng đầy đủ nên đoạn nào có mặt bằng, nhà thầu triển khai thi công trước, còn đoạn nào chưa có mặt bằng đành phải chờ.
Đẩy nhanh tiến độ
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, UBND TPHCM đã chỉ đạo quận 2 phải bàn giao hết mặt bằng trước ngày 28-2; quận Thủ Đức là
30-4 và quận 9 là 30-6. Như vậy, thời hạn UBND TP ấn định cho các địa phương bàn giao mặt bằng thực hiện dự án sắp hết nhưng các địa phương vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xa lộ Hà Nội có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Trạm 2) đã hoàn thành được 85% số hộ, dự kiến đến 30-8 bàn giao mặt bằng toàn tuyến theo chỉ đạo của UBND TP.
Giai đoạn 2 (từ nút giao thông Trạm 2 đến ranh tỉnh Bình Dương) hiện đang triển khai công tác bồi thường; phấn đấu đến 30-9 bàn giao phần đất phục vụ cho tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, phần còn lại bàn giao vào cuối năm 2012.
Lý do chậm trễ là quá trình sử dụng đất các hộ dân khu vực khu phố 6, phường Linh Trung phức tạp, phải kiểm tra xác minh kỹ và phải tập hợp số liệu để đề xuất chính sách bồi thường lên TP; một số vấn đề có liên quan phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương nên tiến độ chậm.
Trong khi đó, đối với khu vực quận 9, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 cho hay: Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 9 có 714 hộ gia đình và tổ chức bị giải tỏa. Đến nay đã có 110 hộ bàn giao mặt bằng. Trong số 714 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng giải tỏa có 352 hộ, tổ chức nhận tiền hỗ trợ, bồi thường nhưng chưa chịu di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho địa phương. Người dân không chịu di dời bàn giao mặt bằng vì cho rằng mức giá bồi thường hỗ trợ thấp trong khi nền đất tái định cư lại quá cao và xa chỗ ở cũ.
Hiện nay, địa phương đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét nâng mức bồi thường giá đất và vật kiến trúc cho người dân. Ngoài ra, tiếp tục vận động người dân chấp hành chủ trương di dời bàn giao mặt bằng cho địa phương theo chỉ đạo của UBND TP trong thời gian sớm nhất để địa phương bàn giao chủ đầu tư thực hiện dự án.
ĐÌNH LÝ