Dự báo đúng để dân không chủ quan

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua đã có ba cơn bão ở biển Đông, trong đó hai cơn bão đã đổ bộ vào miền Trung. Còn từ đầu năm đến nay, chúng ta phải ứng phó với 10 cơn bão. Theo quy luật cũng như số liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hiện tại đã bắt đầu vào mùa đông 2013-2014, tức là đã gần về cuối mùa bão. Nếu theo quy luật thông thường thì bão sẽ giảm dần cả về số lượng cũng như cường độ. Thế nhưng theo như nhận định, ở biển Đông từ nay tới cuối năm 2013 vẫn có thể xuất hiện thêm 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nữa, trong đó một nửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Và như cơn bão số 10 vừa đổ bộ vào miền Trung vẫn được cơ quan khí tượng khẳng định là một “siêu bão” vì cường độ gió giật ở ngoài khơi lên tới cấp 15 - 16.

Hầu như trận bão kèm mưa lũ nào cũng gây hậu quả nặng nề là làm người dân bị thiệt mạng, tổn thất lớn về tài sản, như hàng ngàn ngôi nhà, công trình bị đổ, ngập, sạt lở đường sá, hoa màu chìm trong nước lũ… Như trong cơn bão số 8 vừa qua, mặc dù cường độ chỉ mạnh cấp 8, gió giật cấp 9-10 nhưng vẫn làm 22 người dân thiệt mạng ở nhiều địa phương cùng rất nhiều tài sản bị thiệt hại ở miền Trung.

Rõ ràng, chủ động ứng phó với bão, cảnh giác mưa lũ sau bão là không thể chủ quan, xem nhẹ. Đây là điều mà chúng ta đã nói rất nhiều, nhưng tại sao cứ mỗi cơn bão tràn vào thì những cái chết oan uổng do mưa bão lũ vẫn cứ xảy ra, có khi chỉ là bão nhẹ mà cũng có số tử vong cao? Có lẽ, cần phải bàn về công tác dự báo bão lũ cũng như vai trò chỉ đạo phòng chống của chính quyền các địa phương.

Nhiều người cho rằng, những năm gần đây về phía cơ quan khí tượng đã có những lần dự báo quá mức về bão, dự báo theo kiểu “trừ hao” để giữ an toàn cho mình, nhưng sau đó bão đổ vào không đúng như thế. Dần dà, đã làm cho người dân có tâm lý chủ quan, coi thường. Như trong cơn bão số 8 vừa rồi, lãnh đạo một số tỉnh ở miền Trung cho rằng có sự “cường điệu” về bão. Thực tế bão không mạnh như dự báo, trong khi các địa phương đã phải dồn lực phòng chống bão như cho học sinh nghỉ học, dừng hoãn mọi cuộc họp, cấm thuyền bè ra khơi… gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Dự báo bão cũng thiếu chính xác, khi vào bờ thì chỉ là áp thấp và sớm hơn so với dự báo. Trong khi trung tâm khí tượng khẳng định là bão thì các đài khí tượng khu vực lại xác định đó chỉ là một áp thấp nhiệt đới.

Đành rằng sau mỗi lần như thế, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đều có những lý do có vẻ hợp lý như dự báo của các đài trong khu vực chỉ có tính chất tham khảo, không nên coi thường với mọi cơn bão… nhưng việc cứ lặp đi lặp lại sự “cường điệu” là không thể chấp nhận được, có thể dẫn tới hậu quả tai hại là làm người dân “lờn” dần với thông tin bão. Và cũng vì “lờn” với thông tin bão nên đã gây ra tâm lý chủ quan dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như trong cơn bão số 8 vừa qua.

Mà không chỉ với người dân, việc dự báo bão không chuẩn hoặc “nói quá” cũng sẽ khiến việc chỉ đạo của các cấp chính quyền loay hoay, khó xử. Nếu làm “nhiệt tình” thì sẽ gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của bà con và cũng tốn kém ngân sách không nhỏ. Còn nếu chủ quan thì cũng có thể để lại hậu quả khó lường. Rất mừng là gần đây, lãnh đạo của nhiều địa phương đã rất chủ động, tích cực trong việc chỉ huy phòng chống bão lụt. Nhiều địa phương đã nỗ lực di dời dân khi có bão. Có địa phương còn đình chỉ giám đốc đài truyền hình vì đã lơ là thông tin, tuyên truyền cho người dân về bão.

Như vậy, điều quan trọng nhất là tăng cường công tác dự báo bão và mưa lũ chuẩn xác, trung thực để có giải pháp ứng phó, chỉ đạo kịp thời, hợp lý. Đây là trách nhiệm của cơ quan khí tượng. Nếu bão ở mức cần phải di dân thì phải cảnh báo rõ là di dân. Nếu không tới mức sơ tán ồ ạt thì phải cố gắng đưa ra nhận định chính xác để tránh thiệt hại do việc di dời gây nên. Bởi theo báo cáo của các địa phương, mỗi lần di chuyển, sơ tán bà con đều gây khó khăn, tốn kém rất lớn cho cả địa phương lẫn quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cũng cần phải đề cao trách nhiệm giúp dân phòng chống bão lũ của các cấp chính quyền địa phương.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục