Làng nghèo Vĩnh Sơn (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) dưới chân đèo Ngang bỗng nhiên “bừng lên” phong trào xây cất nhà ào ạt để chờ đền bù, bất chấp cảnh báo từ phía chính quyền. Họ xây từ vườn ra ngõ, từ ngõ ra ruộng, xây ngày xây đêm, chờ phép màu từ tiền đền bù.
Đánh đu chờ đền bù
Làng Vĩnh Sơn khép mình dưới rặng núi Hoành Sơn, mặt hướng ra biển. Suốt đời lão ngư Nguyễn Tiến không ngờ thửa đất cằn cỗi của mình bỗng có giá trị hàng chục triệu đồng. Gần nhà ông là dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, trị giá 3 tỷ USD, đang san lấp mặt bằng.
Từ thông tin của các cò đất nói nhà ai xây cất nhiều sẽ được đền bù nhiều. Sau đó, xóm trên ngõ dưới bỏ cả ruộng, thôi nghề biển, ở nhà mua sắm vật liệu, ngày đêm xây cất hàng trăm căn nhà tạm bợ ngay tại các mảnh vườn hương hỏa chỉ để chờ được đền bù.
Ông Tiến cũng động viên con cái vay mượn, xây một lúc 3 căn nhà trong vườn. Nhà ông xây lên không cần đổ móng, những viên bờ-lô rệu rã, ít chất kết dính vội vàng đưa về, chỉ trong 3 ngày, bố con ông đã dựng lên 3 căn nhà mà không dám vào ở.
Nghe tin người làng Vĩnh Sơn còn cho thuê đất xây nhà chờ đền bù, chúng tôi trong vai những người muốn tìm thuê vài mảnh đất vườn xây nhà, người làng chỉ về nhà ông Từ Xiêm. Đến nơi, mảnh đất của ông đã cho thuê hết và mỗi căn dựng lên, ông được nhận 20 triệu đồng tiền thuê, tính ra với 5 căn, ông có cả trăm triệu đồng, một giá cao ở vùng quê hẻo lánh.
Nhiều nhà khác không cho thuê đất vườn thì cầm cố sổ đỏ, bán tháo trâu bò mua vật liệu về xây như một canh bạc không biết trước tương lai.
Sức hút của đền bù được đồn thổi mỗi thửa đất sẽ định giá từ 1 tỷ đến vài tỷ đồng khiến một người từng là “Người đương thời” trên VTV cũng xây nhà dài hơn 50m, không có chằng néo kiên cố để chờ… phần.
Và không chỉ Vĩnh Sơn, không khí đó còn lan sang thôn 19-5 kế cận với hàng trăm căn nhà mọc lên chóng vánh sau mỗi ngày đêm cùng với công thức xây dựng không tuân thủ bất cứ quy định an toàn nào. Người làng xây từ nhà ra ngõ, rồi xây bao luôn cả bờ ruộng cũng chỉ để chờ Nhà nước đến mặc cả đền bù mới chịu giao đất.
Không thể xử lý
Theo thông tin từ UBND huyện Quảng Trạch, đây là sự đi tắt đón đầu đền bù hết sức nguy hiểm. Bởi khu vực các hộ dân xây dựng rất khó có di dời hàng loạt. Nguy cơ vỡ nợ của các hộ nghèo vay vốn về xây hàng trăm căn nhà, hàng rào, ao cá… là rất cao. Tìm hiểu của PV Báo SGGP, xã và huyện đang rất lúng túng trong cách giải quyết sự việc.
Ông Võ Viết Vầy, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông, nói: “Địa phương hoàn toàn không kiểm soát được, mặc dù đã giải thích đầy đủ”. Cũng theo ông Vầy, xã mới chỉ thống kê gần 100 hộ xây dựng, về hình thức, chỉ phạt hành chính vì xây dựng không phép.
“Cách đền bù của tập đoàn dầu khí làm theo từng đợt, quy hoạch chi tiết đến đâu đền bù đến đó khiến UBND huyện khó di dời dân”, ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch huyện cho biết. Trong hàng trăm căn nhà được dựng lên, xã Quảng Đông chỉ mới phạt hành chính 35 trường hợp, số còn lại dân không ký.
Quảng Đông vốn chống đói bằng sắn, khoai, nhưng dân nghèo vẫn chấp nhận nhổ sắn lấy đất xây nhà chờ đền bù. Khắp vùng đất nghèo Vĩnh Sơn, 19-5, Thọ Sơn… như một đại công trường xây dựng ngổn ngang, ai nấy đều mong đánh đu cùng dự án 3 tỷ USD.
Giấc mơ chờ đổi đời của dân đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng chục chủ buôn bán vật liệu xây dựng, đúc bờ-lô đang giàu lên. Ngoài ra, giới thợ xây ở đây mỗi người thu vào không dưới 1 triệu đồng tiền công mỗi ngày.
MINH PHONG