Du khách khổ vì thiếu thông tin

Du khách khổ vì thiếu thông tin

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, thành phố du lịch Đà Lạt lại một lần nữa tái diễn tình trạng quá tải du khách. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực trung tâm Đà Lạt đã treo bảng thông báo “Hết phòng”.

Chiều tối mùng 4 Tết, nhiều du khách, trong đó chủ yếu là khách lẻ, từ các địa phương lân cận Đà Lạt như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk… đi du lịch Đà Lạt bằng xe gắn máy hoặc ô tô của gia đình, đã chạy đôn đáo khắp Đà Lạt vẫn không tìm được phòng nghỉ. Nhiều người được tư vấn tìm về tận thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 30km) để thuê phòng nghỉ. Một số khác tìm đến khu trọ của sinh viên; ở nhà dân, hoặc kê chăn nệm ở sảnh khách sạn tá túc qua đêm… Nhưng vẫn còn không ít khách không may mắn, phải ngủ trong xe hơi, thậm chí vật vạ ngoài công viên, đường phố suốt đêm.

Nhiều khách sạn, nhà nghỉ treo bảng hết phòng

Trong khi đó, theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, những ngày cao điểm (từ mùng 1 đến mùng 4 Tết), các khách sạn 1-5 sao đạt công suất 95%, các cơ sở lưu trú còn lại đạt 80%-90%. Tức là, Đà Lạt vẫn còn 10%-20% số phòng trống, tương đương hàng ngàn chỗ ở cho khách du lịch. Đó là chưa kể một lượng lớn nhà dân có phòng ngủ dôi dư, sẵn sàng đón khách lưu trú.

Sở dĩ có nghịch lý nói trên là do sự thiếu thông tin và một đầu mối kết nối giữa cung và cầu. Về phía du khách, hầu hết những người đến Đà Lạt không có chỗ nghỉ là do đi du lịch một cách “ngẫu hứng”, không có kế hoạch từ trước để đặt phòng, cũng không hề tra cứu thông tin để biết rằng Đà Lạt đã quá tải.

Nhưng yếu tố quan trọng hơn, đó là Đà Lạt còn thiếu một đầu mối thông tin đóng vai trò kết nối giữa các cơ sở lưu trú với du khách. Mặc dù Lâm Đồng đã thành lập “Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch” từ 4 năm trước, nhưng vai trò “hỗ trợ khách” của trung tâm này khá mờ nhạt và không mấy du khách biết đến. “Đường dây nóng” của ngành du lịch Lâm Đồng cũng chập chờn.

Nhiều du khách đến Đà Lạt cho biết phải chạy lòng vòng đến từng khách sạn để hỏi phòng, chứ không có một đầu mối thông tin nào để nhờ tư vấn. Các cơ sở lưu trú, nếu còn phòng để đón khách thì chủ yếu tự tiếp thị, thông báo trên trang tin của mình, hoặc dùng “cò”. Còn với các hộ dân có phòng trống, ít ai ra đường tìm khách, nhưng họ sẵn lòng cho khách lưu trú nếu có người giới thiệu đến.

Du khách đến đông là tín hiệu mừng và chứng tỏ Đà Lạt luôn có sức hút mạnh mẽ. Nhưng niềm vui sẽ giảm đi nếu khách hồ hởi tìm đến mà “chủ” lại thiếu quan tâm, chu đáo. Chính vì vậy, cùng với vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý chặt chẽ giá cả, Đà Lạt cũng cần quan tâm vấn đề kết nối thông tin và hỗ trợ du khách một cách đúng nghĩa, thiết thực, để không còn cảnh du khách phải vật vạ, khổ sở tìm chỗ tá túc khi đến Đà Lạt trong những dịp du lịch cao điểm.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục