Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra

Báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 29-9, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn có nhiều yếu tố tích cực.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Theo đó, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra là: tốc độ tăng trưởng GDP ước 3,5-4% (mục tiêu là 6%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước 3,7% (mục tiêu là 4,8%); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước 28% (mục tiêu từ 45-47%) và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 0,5-1% (mục tiêu 1-1,5%).

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ước nhập siêu cả năm khoảng 2 tỷ USD; xuất, nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường và khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp.

Trong khi đó, vẫn còn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách.

Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; tổ chức triển khai các giải pháp chưa thống nhất, chưa quyết liệt, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách.

“Có địa phương còn nóng vội khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch; chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán trong ban hành biện pháp phòng, chống dịch, gây bức xúc trong xã hội, nhất là quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ”, ông Trần Quốc Phương nhận định.

Đáng lưu ý, năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do... ; sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh. Dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, số lượng người lao động thiếu, mất việc làm gia tăng; đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị tác động mạnh, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số kết quả nổi bật.

Đó là, đã chuẩn bị tốt nhất và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh chủ chốt, quan trọng của Nhà nước, quyết định và thông qua các Kế hoạch 5 năm 2021-2025 về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả.

Với quan điểm chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, đến nay, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, thu NSNN ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 35% GDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 10,7% so với năm 2020. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.

Tin cùng chuyên mục