(SGGPO).- Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo hoàn tất kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
Ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội đã hoàn tất 4 nội dung lớn.
Thứ nhất, về lập pháp, đã thông qua 7 luật (như vậy toàn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đã thông qua 107 đạo luật).
Thứ hai, đã đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, ban hành Nghị quyết quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Thứ ba, đã tổng kết nhiệm kỳ công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Thứ tư, đã kiện toàn nhân sự cấp cao của Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội với việc lần đầu tiên, 4 nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, nhân dân.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo
Quốc hội thực hiện đúng quy trình về nhân sự
Vấn đề nhân sự được báo chí đặc biệt quan tâm tại buổi họp báo. Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá XIV (dự kiến vào tháng 7), Quốc hội sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. 4 vị trí cấp cao (Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) tiếp tục tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân theo quy định của Hiến pháp. “Quy định của Hiến pháp về tuyên thệ ngắn gọn, trong thời gian khoảng 3 phút, tuy nhiên, hầu hết các vị trí đều có sáng tạo thêm trong lời tuyên thệ, tùy thuộc vào vị trí từng người”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Việc kiện toàn nhân sự ngay tại kỳ họp này có ý kiến cho rằng bị động?
Việc kiện toàn nhân sự cấp cao tại kỳ họp này liệu có là tiền lệ để các nhiệm kỳ sau, ngay sau khi Đại hội Đảng thì Quốc hội sẽ kiện toàn nhân sự luôn?. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, việc chuẩn bị nhân sự không bị động, mà đều đã có thông báo từ trên xuống, thực hiện đúng quy trình về miễn nhiệm nhiệm, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Quốc hội thực hiện đúng quy trình này.
“Về việc có thành tiền lệ không, tôi xin nói thế này: có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ không. Ví dụ khóa XI cũng đã kiện toàn 9 chức danh lãnh đạo. Kỳ này cũng tương tự. Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo là tùy từng thời điểm, nếu thời gian Đại hội Đảng đến họp Quốc hội mới cách xa nhau thì phải kiện toàn nhằm bảo đảm sự đồng bộ của bộ máy lãnh đạo”, ông Phúc nêu.
Ông Lê Minh Thông cũng nhấn mạnh, việc kiện toàn nhân sự cấp cao đúng chủ trương, quy định của pháp luật, vì vậy mọi việc diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. “Còn đương nhiên chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến nhiệm kỳ, bầu cử, làm sao để gắn liền nhất với việc hoàn thiện bộ máy sau Đại hội Đảng một cách kịp thời nhất. Có thể những khóa sau phải nghiên cứu việc này”, ông Thông cho biết.
Về lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội làm lễ tuyên thệ (trừ sự kiện Bác Hồ làm lễ tuyên thệ ở đình Tân Trào từ năm 1946). “Có ý kiến nói tại sao khi lãnh đạo tuyên thệ mà Quốc hội không đứng lên?, theo tôi tùy từng quốc gia, nghi thức tuyên thệ được thực hiện với cách khác nhau. Lễ tuyên thệ tại Quốc hội vừa qua là rất nghiêm trang, việc một số ĐBQH chụp ảnh khoảnh khắc đó để lưu niệm là điều không đáng bị gọi là phản cảm. Dĩ nhiên, nghi thức tuyên thệ sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện ở nhiệm kỳ sau”, ông Phúc khẳng định.
Trả lời câu hỏi kỳ họp đầu tiên khoá XIV tới sẽ miễn nhiệm và bầu bao nhiêu chức danh nữa, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khóa XIII đã kiện toàn 37/57 chức danh, vì vậy cơ bản đã hoàn tất các vị trí miễn nhiệm, khóa XIV sẽ ít miễn nhiệm mà chủ yếu bầu mới.
Vừa qua, những chức danh được bầu, phê chuẩn chỉ có lí lịch trích ngang và 1 câu “đã hoàn thành công việc”, không có đánh giá về đạo đức, nhân cách. Trong khi đó, phiên thảo luận lại là kín, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu cử tri có quyền được biết về năng lực, phẩm chất của cá nhân đó. Trả lời về điều này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là quy trình công tác cán bộ đã được Quốc hội thông qua, việc các cán bộ đều là họp nội bộ. “ĐBQH cũng là đại diện cho dân, quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá được thực hiện đầy đủ, có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả có người phiếu cao, người thấp, đó là sự đánh giá của ĐBQH”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc cũng thông tin, trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội bầu, phê chuẩn nhiều nhân sự chủ chốt, nhưng ngoài nhân sự được đề cử thì không có đại biểu nào ứng cử, đề cử, dù theo quy định, ĐBQH có quyền ứng cử, đề cử nhân sự ngoài danh sách trình ra Quốc hội.
Về việc có xây dựng luật Chủ tịch nước, ông Phúc cho biết đã từng đặt bấn đề nhưng bên Văn phòng Chủ tịch nước cho biết chưa chuẩn bị kịp. Việc không thực hiện được chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cũng chưa thể có chế tài xử lý, bởi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chúng ta nhìn nhận, đánh giá để cùng rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn, không thể quy trách nhiệm riêng của Chính phủ.
Không có thế lực phản động đứng sau người tự ứng cử
Vấn đề tự ứng cử ĐBQH cũng được báo chí quan tâm nhiều. Quốc hội khóa XIII có điều đáng tiếc là 2 nữ ĐBQH (tự ứng cử) bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH. Đó là bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) và bà Đặng Thị Hoàng Yến (TPHCM) đều là doanh nhân. Trả lời câu hỏi Quốc hội có đánh giá, tổng kết về vấn đề ĐBQH tự ứng cử, ông Phúc cho biết, chỉ có đánh giá chung về ĐBQH khóa XIII, không có đánh giá riêng về ĐBQH tự ứng cử. “Đa số ĐBQH tự ứng cử đều có nhiều đóng góp, phát biểu nhiều, đã được lựa chọn kỹ qua nhiều vòng ý kiến của cử tri. Khóa XIV này nhiều người tự ứng cử, điều đó rất tốt, cho thấy không khí dân chủ, nhiều người mong muốn tham gia để đóng góp cho dân. Quốc hội không có cơ cấu ĐBQH ứng cử hay tự ứng cử. Số người tự ứng cử còn lại được lọt vào danh sách chốt để đưa ra bầu cử cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào các vòng hiệp thương”, ông Phúc trả lời.
Về vấn đề người tự ứng cử, liên quan đến thông tin có thế lực phản động đứng sau người tự ứng cử, ông Phúc cho biết: Quốc hội có nhận được thư của ông Nguyễn Quang A nêu về vấn đề này và đã trả lời rằng đó chỉ là ý kiến của 1 cá nhân, không phải là thông tin của Ủy ban bầu cử, không phải là ý kiến của Tiểu ban an ninh quốc phòng. Hiện nay, nhiều người tự ứng cử thông tin trên trang cá nhân của họ cho rằng những hội nghị lấy ý kiến cử tri như một cuộc “đấu tố” đối với người tự ứng cử; ngoài ra cũng hạn chế báo chí dự. Trả lời về điều này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định thì phải lấy ý kiến người dân nơi cư trú, vì không ai hiểu người ứng cử bằng người dân nơi họ sinh sống, về đạo đức, gia đình, nhân cách như thế nào. Người tự ứng cử đưa lên trang mạng cá nhân đó là quyền của họ, vì hiện nay vẫn đang trong vòng hiệp thương, chưa chốt danh sách để bầu.
“Sau này, khi đã chốt danh sách để bầu thì tất cả các ứng viên phải vận động bầu cử một cách sòng phẳng. Ở các hội nghị cử tri nơi cư trú, không ai rõ về người ứng cử bằng người dân nơi cư trú. Cử tri phát biểu, người ứng cử phải giải trình, cử tri họ bỏ phiếu theo đúng quy định, trên 50% phiếu thì mới được giới thiệu ra để bầu làm ĐBQH, dưới 50% thì đương nhiên không được giới thiệu. Đó là thước đo đánh giá khách quan đối với người ứng cử”, ông Phúc nêu quan điểm.
PHAN THẢO