Du lịch cùng con

Vui chơi, đưa trẻ tham gia các chuyến du lịch xa, tưởng dễ nhưng lại không đơn giản đối với nhiều gia đình. Bởi đó còn là sự cân nhắc, đắn đo “nâng lên, đặt xuống” của phụ huynh về lựa chọn điểm đến, phương tiện di chuyển, lịch trình...

Gia tăng trải nghiệm

Sau nhiều lần trì hoãn bởi dịch bệnh, mùa hè này cả gia đình chị Minh Lan (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) quyết định đưa bé Nấm (6 tuổi) về quê nội ở Đắk Lắk vui chơi một tuần. “Chúng tôi đã xin nghỉ phép, sắp xếp công việc từ vài tháng trước, chứ không phải cứ muốn là đi được. Thực ra con bé nhà mình hơi nhát, sợ người lạ, khó làm quen, nên mình cũng cân nhắc lắm mới đưa ra quyết định này”, chị Minh Lan chia sẻ. Nhưng trái với nỗi lo của chị Lan, bé Nấm về quê, ghé nhà bà con liền bắt chuyện rất nhanh với em họ cùng tuổi. Cả hai còn dẫn nhau đi hái trái rừng hư lạc tiên, chùm bao, rồi chôm chôm, bắp xen lẫn trong vườn cà phê rộng mênh mông. Đi chơi cả tuần, làn da bắt nắng đem nhẻm, nhưng bù lại, Nấm đã biết cà phê ba uống hàng ngày được trồng như thế nào, heo, gà được nuôi ra sao... Tóm lại, cả một “rừng kiến thức” sinh động, bé được trải nghiệm, trong khi các cuốn truyện tranh, báo thiếu nhi mà bé đọc hàng ngày vẫn chưa giải thích hết được. “Về quê vui lắm. Hè năm sau ba mẹ lại cho con về nữa nhé”, bé Nấm thích thú nói với mẹ.

Du lịch cùng con ảnh 1 Bé Mây, hơn 1 tuổi, cùng mẹ và các chị trong chuyến du lịch biển Nha Trang. Ảnh: N.HÀ
Với gia đình anh Minh Thông (ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM) thì đi chơi cùng 2 con nhỏ luôn là “cuộc chiến”, vì tụi nhóc thường tị nạnh nhau, chí chóe suốt ngày. Nhiều lúc mệt quá, vợ chồng anh Minh Thông để bọn trẻ tự giảng hòa chứ không đứng ra làm trọng tài. “Cả gia đình chúng tôi vừa kết thúc chuyến vui chơi ở Phú Quốc (Kiên Giang) 4 ngày. Tụi nhỏ được tìm hiểu thêm về tập tính của các loài thú hoang dã, xem người lớn câu cá, cùng nhau tắm biển, ngắm bình minh... Đứa lớn thường nhầm lẫn bình minh - hoàng hôn, nhưng nay cũng đã biết phân biệt. Còn đứa nhỏ, thường bắt nạt anh trai nhưng giờ đã biết thương anh nhiều hơn”, anh Minh Thông nói.

Nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình có con nhỏ lại ngại đưa con đi du lịch xa, bởi sợ cực, đồ ăn uống không thích hợp, chưa kể thời tiết thất thường ảnh hưởng sức khỏe con trẻ. Chưa kể, đi chung nhóm bạn hay theo tour du lịch cùng cơ quan, không tránh khỏi việc các ông chồng có khi muốn tách vợ con đi làm vài ly, hay bà vợ muốn đi mua sắm cùng bạn bè…

Không chỉ “thu hoạch” được kiến thức, mà tụi nhỏ đi chơi xa còn có thêm nhiều trải nghiệm, sự quan sát tinh tế, đồng thời là dịp để rèn luyện sức khỏe, giúp con trưởng thành từng chút một... Bà Mai Thị Tân (70 tuổi, ngụ tại Hà Nội) vừa đi du lịch cùng vợ chồng con trai và hai cháu ở Phú Quốc, cho hay: “Cháu gái 4 tuổi hay mè nheo, đòi tôi bón đồ ăn, nhưng hôm nay đi chơi đã chủ động ăn uống, không nhờ nội vì sợ bạn bè cười nhạo. Còn cháu trai, 7 tuổi, đã biết quan tâm em gái và hướng dẫn em vui chơi ở chỗ đông người - điều hiếm thấy khi chúng ở nhà”. Thêm nữa, điều thú vị là nhiều phụ huynh cho biết, bọn trẻ đều có khả năng ghi nhớ, học hỏi rất nhanh những thông tin mới mà chúng được trải nghiệm qua các chuyến đi.

Kết nối gia đình

Trước khi đi chơi xa, mỗi người trong nhà đều được “phân công” theo thế mạnh của mình. Ví dụ, chồng phụ trách mang đồ nặng, như kéo vali, đeo ba lô; mẹ chuẩn bị kem chống nắng, chống muỗi, rà soát quần áo... xem trẻ đem đủ chưa. Cẩn thận hơn, phụ huynh còn kiểm tra thật kỹ lịch trình, thời tiết, hành lý, nhất là với những gia đình có trẻ sơ sinh. Vì lứa tuổi này các bé dễ quấy khóc, chưa thích nghi được với môi trường mới; đồng thời cũng là độ tuổi “ngại đám đông”, có khả năng dễ lây bệnh từ nơi công cộng. Do vậy, ba mẹ cần mang theo đầy đủ cho bé, gồm xe đẩy, bỉm, sữa, ti giả…

Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM) tâm sự, lúc ở nhà, vợ anh thường xuyên tự mình quán xuyên toàn bộ việc chăm con, đứa đón bọn trẻ đi học, ăn uống... “Nay có dịp cùng gia đình đi chơi xa, mới thấy thương vợ vì cô ấy quá vất vả. Mình phụ chăm con có chút xíu mà thấy mệt hơn cả đi làm”, anh Thanh nói.

Điều “gặt hái” được qua mỗi chuyến đi chính là các thành viên trong gia đình học được cách dung hòa, quan tâm và biết chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đó cũng là cội nguồn của việc kết nối tình thân, giúp gia đình thương quý nhau nhiều hơn. Chị Minh Lan cho hay, chồng chị ít khi đụng tay vào việc nhà. Một phần vì công việc của anh quá bận rộn, nhưng cũng có nguyên nhân khác do ỷ lại, vì được nuông chiều từ nhỏ. Thế nhưng, trong chuyến du lịch về Đắk Lắk vừa qua, thấy cảnh bố giúp mẹ vợ từ những việc nhỏ nhặt nhất như nấu ăn, giặt đồ, quét nhà... khiến chồng chị Lan giật mình “soi lại bản thân”. Sau đó, anh đã chủ động giúp vợ nhiều hơn, hỗ trợ con cái học hành…

Tổ ấm gia đình có vẹn tròn hay không là nhờ mỗi thành viên “góp lửa”. Du lịch xa cùng gia đình không chỉ để thể hiện bản thân, phù hợp hợp xu hướng mà thực chất còn là cách để giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi, giúp các thành viên thêm gắn bó, thương yêu nhau.

Tin cùng chuyên mục