Sau một số trường hợp du khách tử nạn trên đường tour liên quan đến du lịch mạo hiểm, Báo SGGP Online đã nhận được khá nhiều ý kiến của người trong cuộc. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, cái gọi là du lịch mạo hiểm ở Việt Nam thật ra là những trò chơi thể thao mạo hiểm.
1. Thuật ngữ du lịch mạo hiểm cũng được sử dụng phổ biến trên báo chí, truyền thông, các công ty du lịch và cả du khách Việt. Theo hiểu biết của tôi, không có loại hình gọi là du lịch mạo hiểm. Từ mạo hiểm (Adventure) thường được gắn liền với các môn thể thao, các hình thái kinh doanh kém hiệu quả, thiếu căn cơ. Du lịch thám hiểm (Explore) hoặc khám phá (Discovery) hiện thực hơn với các tour đặc thù như thám hiểm hang động, sông, rừng, núi… kéo dài từ một ngày trở lên và là mục đích chính của chuyến du lịch.
Cái gọi là du lịch mạo hiểm ở Việt Nam thật ra là những trò chơi thể thao mạo hiểm. (Trong ảnh: Khách chinh phục đỉnh núi Tà Xùa, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Đoàn Khánh
2. Các tour du lịch thám hiểm hang động có nhiều tại Quảng Bình, từ 1 đến 5 ngày. Đây là loại hình chuyên biệt, tổng hợp nhiều hình thức, đòi hỏi người tham gia phải được tuyển chọn, đảm bảo đủ sức khỏe và kỹ năng. Công tác huấn luyện và giám sát đều do người nước ngoài đảm nhận hoặc hỗ trợ. Thám hiểm núi (Fansipan), rừng (Cát Tiên, Bạch Mã) và sông (thường là thượng nguồn, đi với thác) ít phức tạp hơn nhưng cũng chưa phổ biến. Đã gọi là thám hiểm thì phải ăn ngủ tại chỗ, trong điều kiện tự nhiên chứ không thể đầy đủ tiện nghi với nhà hàng, khách sạn.
3. Cái gọi là du lịch mạo hiểm hiện nay ở Việt Nam, thật ra là những trò chơi thể thao mạo hiểm. Cũng có người gọi là trò chơi cảm giác mạnh cấp độ cao. Trò chơi chỉ kéo dài vài chục phút cho mỗi người nên gọi là du lịch (cả tour) thì gượng ép. Những trò chơi này thuộc ngành thể thao, buộc phải có huấn luyện viên, trong khi ngành du lịch chỉ có hướng dẫn viên. Ngành du lịch có thể vận dụng việc tổ chức trò chơi này để huấn luyện thành “Team Building”. Trong chương trình tour, du khách có thể tham gia các trò chơi thể thao cảm giác mạnh hiện có. Đó là các trò chơi như : Diving (lặn biển), Rock Climing (leo và xuống vách núi thẳng đứng), Bungee Jump (Nhảy cầu với dây buộc ở cổ chân), Zipline (đu dây), White Water Rafting (chèo xuồng vượt thác), Highwire (đi dây trên cao), Wind Surf (dù lượn), Flyboard (hỏa tiễn, tạm dịch), Sky Diving (nhảy dù)…Các loại hình này buộc phải có thiết bị chuyên dùng nhập khẩu và thường do huấn luyện viên nước ngoài đảm trách.
4. Trò chơi cảm giác mạnh cấp độ vừa phải, thường có mặt trong các khu du lịch, các công viên trò chơi; có quy định độ an toàn, độ tuổi, sức khỏe và cả luật chơi. Những trò chơi này đều nhập khẩu, do nước ngoài chuyển giao công nghệ vận hành và cả cứu hộ. Có thể kể như máng trượt, tàu lượn siêu tốc, đu quay tử thần, vượt thác, thám hiểm bầu trời, tàu hải tặc…Người Việt thường sợ độ cao, ngại thử thách, không thích mạo hiểm nên các loại hình này còn khiêm tốn. Ở các nước phát triển, học sinh mẫu giáo đã làm quen với những loại hình này như phương thức giáo dục lòng tự tin, vượt qua chính mình, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội…Ở Việt Nam, thi thoảng có tai nạn do vận hành cẩu thả, ham rẻ nên sản phẩm lỗi kỹ thuật và chưa tuân thủ nghiêm các quy định của trò chơi. Cụ thể là vụ chết người vì đứt dây cáp, nạn nhân lại không mặc áo phao ở khu du lịch Bọ Cạp Vàng (Đồng Nai).
5. Loại hình bị ngộ nhận là mạo hiểm dễ bắt chước và lập lờ là Rock Climing. Chỉ cần vài sợi dây thừng chuyên dụng, mấy bộ đai an toàn, học lóm và biết căn bản lý thuyết là tha hồ lòe cả du khách và cấp quản lý. Tương tự, việc tổ chức Trekking, thám sát sông, thác, rừng…cũng vậy. Rất dễ bị nhập nhèm chuyên nghiệp. Tai nạn chết 3 người Anh ở thác Datanla là điển hình. Ở đây có lỗi cả ba bên. Từ du khách, đơn vị tổ chức, đơn vị quản lý và cả nhà nước. Vụ chết người ở thác Pongour, du khách Belarus tự đi nhưng rõ ràng đơn vị quản lý thác thiếu trách nhiệm và ở cấp cao hơn, là trách nhiệm của quản lý nhà nước.
6. Tai nạn ở thác Datanla, thác Pongour (Lâm Đồng), núi Fansipan (Lào Cai), các bãi biển, các đoàn phượt… đều có thể phòng tránh hiệu quả nếu mỗi người có trách nhiệm hơn. Trước hết là quản lý nhà nước. Đây là loại kinh doanh có điều kiện, phải có quy chuẩn tối thiểu, từ huấn luyện viên, hướng dẫn viên cho đến bác sĩ cứu hộ. Thường xuyên giám sát kiểm tra hoạt động các công ty và xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm. Làm được vậy, các doanh nghiệp sẽ không tự tung, tự tác; tổ chức bừa kiểu “Điếc không sợ súng”. Kiên quyết từ chối những du khách muốn chuốc họa vào thân. Du khách cũng phải có trách nhiệm với chính mình, lựa chọn loại hình phù hợp với sức khỏe, tuân thủ các quy định của trò chơi.
7. Nếu thác Pongour có trực bảo vệ tại hiện trường với phao dây cứu hộ (sử dụng cứu hộ đuối nước) thì du khách Belarus đã không chết. Ba du khách Anh cũng không thể tử nạn nếu công ty tổ chức chuyên nghiệp; hướng dẫn viên mang theo phao dây cứu hộ, có nghiệp vụ chuẩn, không để khách đi vào khu vực nguy hiểm. Thác Datanla phải có bảng cảnh báo, thậm chí có cứu hộ trực chiến ở đây để ngăn ngừa tai nạn. Ban quản lý núi Fansipan cũng vậy. Các phượt thủ nếu tìm hiểu căn kẽ lộ trình, có y tế đảm bảo thì đã không có những cái chết thương tâm vì đột tử, lạc đường, tai nạn. Cứu hộ bờ biển, phải làm như Đà Nẵng. Trực ngay tại bãi tắm, thấy ai có nguy cơ là cảnh báo, có ai đuối nước là xử lý liền. Ngồi trên chòi cao, cách cả trăm mét, làm sao cứu hộ kịp. Hướng dẫn viên cũng vậy. Phải cùng tham quan, tắm biển và tham dự các hoạt động cùng du khách để nhắc nhở, cảnh báo và can thiệp kịp thời.
8. An toàn phải là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của du lịch. Không chỉ an toàn tính mạng mà cả tài sản và tinh thần thì cuộc vui mới trọn vẹn. Du lịch theo loại hình nào cũng được nhưng phải tránh xa “Du lịch nguy hiểm”, do chủ quan và thiếu trách nhiệm với chính mình, với nhiệm vụ của mình và với du khách. Xin đừng vô tình chuốc họa vào thân và đùa giỡn với sinh mạng chính mình cũng như sinh mạng của người khác.
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)