Du lịch miền Trung hứa hẹn một năm đầy triển vọng

Du lịch miền Trung hứa hẹn một năm đầy triển vọng

Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ khi lần đầu tiên cán đích con số 10 triệu lượt khách quốc tế. Những Di sản Văn hoá thế giới ở miền Trung như: Cố Đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng... trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch của các hãng lữ hành. Năm 2017, các tỉnh miền Trung hứa hẹn một năm đầy triển vọng với nhiều sự kiện văn hóa lớn, sẵn sàng phục vụ du khách.

Tận dụng thời cơ

Năm 2016, tỉnh Quảng Nam đón hơn 4,4 triệu du khách, trong đó có 2,3 triệu du khách quốc tế. Một trong những điểm đến thu hút nhất đối với du khách đó là phố cổ Hội An. Với sức hấp dẫn của mình, Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Quảng Nam)... đón hàng triệu lượt khách mỗi năm, trong đó khách quốc tế chiếm gần 1/2.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh, cho biết: “Có khoảng 35 hoạt động văn hóa diễn ra trong năm 2017, chúng tôi mong muốn quảng bá hình ảnh Quảng Nam ra bên ngoài, mục tiêu là thu hút các nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển du lịch. Chúng ta có những lợi thế nhất định như đất đai để phát triển du lịch còn nhiều, tiềm năng lớn, lợi thế về giao thông, lợi thế về cơ chế. Đặc biệt, Quảng Nam xác định năm 2017 là năm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…”.

Cùng với Quảng Nam, TP Đà Nẵng, nơi có bãi biển đẹp nhất hành tinh, năm qua đã đón hơn 5,51 triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2017, Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”, đây là cơ hội để ngành du lịch thành phố tận dụng cơ hội quảng bá và phát triển.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết, năm 2016 thành phố có 20 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 11 đường bay trực tiếp thường kỳ và 9 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards năm 2016, TP Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu: “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội”. Năm 2017, Đà Nẵng sẽ chuẩn bị nhân lực, vật lực, hạ tầng, giao thông... tốt nhất để phục vụ du khách khi đến du lịch tại thành phố bên sông Hàn. Chúng tôi hy vọng, năm 2017 là một năm phát triển lớn mạnh của du lịch Đà Nẵng thông qua sự kiện APEC được tổ chức tại đây. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá hình ảnh Đà Nẵng xinh đẹp, mến khách ra thế giới”.

Vượt khó để hồi sinh

Trong năm qua, ngành du lịch các tỉnh Bắc miền Trung gặp khó khăn sau sự cố môi trường biển. Để vực dậy một vùng đất du lịch đầy tiềm năng, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... quyết tâm kết nối để vượt qua những khó khăn, ghi lại địa danh trên bản đồ du lịch thế giới.

Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế tái hiện lễ rước và dựng cây nêu tại Đại nội Huế nhằm thu hút khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu

Nằm trên Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) đi qua 19 tỉnh, thành phố thuộc 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, Quảng Trị được xem là đầu mối kết nối giữa 3 sản phẩm du lịch đặc biệt là: EWEC, Con đường di sản miền Trung, Con đường huyền thoại. Trong năm nay, Quảng Trị sẽ tập trung, kết nối và sẵn sàng mở cửa du lịch toàn diện để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trở lại.

Cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị trước đó. Đây là cơ hội mới để quảng bá hình ảnh của đảo này cũng như thu hút khách du lịch đến Quảng Trị. UBND tỉnh Quảng Trị đã có những quyết sách mới để tạo đà thúc đẩy những tiềm năng du lịch, cụ thể là công bố mở cảng cá tại đảo Cồn Cỏ có khả năng tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra, vào cảng với tải trọng 200CV. Dự tính trong giai đoạn 2016-2017, UBND tỉnh sẽ tổ chức di dân ra đảo nhằm tăng cường lao động cho đảo, gắn chặt với đảm bảo quốc phòng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Thời gian qua do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đã làm cho không những du lịch mà còn các ngành nghề khác trì trệ, gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi chủ trương kết hợp giữa các loại hình du lịch để bổ trợ cho nhau, kết hợp du lịch hoài niệm du lịch biển. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện giải pháp kích cầu du lịch biển, tổ chức các hoạt động, sự kiện, các chính sách nhằm đưa khách trở lại các bãi biển. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng, đa dạng sản phẩm, chủ trương đưa biển lên rừng…”.

Đặc biệt sắp tới đây tỉnh Quảng Trị chủ trương liên kết, kết nối chặt chẽ để khai thác các tour tuyến du lịch “Con đường di sản miền trung - Đường Hồ Chí Minh” nối liền Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Khe Sanh (Quảng Trị) - A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Những ngày đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), tại các điểm du lịch trọng điểm ở tỉnh Hà Tĩnh, như: quần thể Khu di tích chùa Hương Tích, Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc… hứa hẹn sẽ thu hút hàng chục ngàn lượt du khách về dâng hương, tham quan vãn cảnh, du xuân đầu năm mới.

Cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế năm qua khá thưa vắng khách. Để lấy lại phong thái, ngành du lịch Huế đã tận dụng những giá trị truyền thống vốn có để tạo cú “hích” vượt khó. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, cùng với việc tái hiện lễ rước và dựng nêu tại Đại nội Huế theo nghi thức cung đình, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần giới thiệu với du khách những nét đẹp văn hóa chốn Hoàng cung dịp tết cổ truyền.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục