Trong các ngày Tết Giáp Ngọ 2014, lượng du khách đổ về các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… tăng đột biến. Lượng khách đông đến nỗi nằm ngoài… dự báo của các địa phương!
Tết Việt ấn tượng, du khách tăng cao
Các điểm du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… nơi nào chật kín du khách.
Tại Di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam), từ đêm giao thừa cho đến mùng 4 Tết, nơi nào cũng đông. Khách sạn từ cao cấp đến mini, các khu homestay… đều cháy phòng cho đến mùng 7.
Anh Nguyễn Sơn Thủy, chủ Khu homestay The Earth Villa (380 Cửa Đại, Hội An), phấn khởi: “So với mấy năm trước, năm nay khách đổ về Hội An ăn tết đông hơn nhiều. Dù là tết truyền thống của người Việt nhưng du khách phương Tây đổ về ăn tết rất đông. Thấy người Việt ăn tết, họ thích lắm. Các khách sạn lớn, khu homestay ở Hội An đều tổ chức cho du khách nước ngoài cùng gói và nấu bánh chưng, bánh tét, làm mứt… Năm nay, khu homestay của gia đình chúng tôi kín phòng từ 28 đến mùng 7 Tết. Đầu năm mà du khách đông như ri báo hiệu cho một năm ăn nên làm ra”. Chị Pascal Mr (du khách Pháp) cùng chồng lần đầu tiên đến Hội An và cũng là lần đầu tiên “ăn Tết” Việt, khấp khởi: “Tôi đã đọc và biết Hội An qua báo chí, nhưng khi đến đây tôi thật sự thích thú bởi sự cổ kính của phố cổ, sự thân thương của người dân. Đặc biệt, tôi thấy được sự ấm áp của gia đình người Việt qua cái tết cổ truyền và rất hài lòng khi đến Hội An”.
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan lưu trú tại Quảng Nam từ ngày 27-1 đến 3-2 (từ 27 đến mùng 4 Tết âm lịch) ước đạt 73.888 lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế ước đạt 27.903 lượt.
Đà Nẵng, địa phương giáp ranh Hội An, từ ngày mùng 1 Tết đã tổ chức đón nhiều chuyến bay, tàu biển đưa hàng ngàn du khách đến tham quan thành phố thơ mộng bên sông Hàn với nhiều điểm đến hấp dẫn như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills… Điều đáng nói, lượng du khách đến Đà Nẵng trọng dịp tết năm nay tăng ngoài tầm dự báo của ngành du lịch thành phố. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, vui mừng cho biết: “Dịp tết năm nay, Đà Nẵng đón 181.000 lượt khách (tăng 23,5%), trong đó có 59.000 lượt khách quốc tế. Chúng tôi tiên lượng dịp tết năm nay chỉ đón 179.000 lượt khách nhưng trên thực tế thì cao hơn nhiều. Sở dĩ lượng khách đến Đà Nẵng tăng cao ngoài nhờ Đà Nẵng có bờ biển đẹp, có nhiều điểm đến hấp dẫn còn nhờ sự kết nối du lịch giữa 3 tỉnh, thành Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế và đổi mới tư duy làm du lịch”.
Trong 10 ngày tết (từ 28 đến mùng 7 Tết), tỉnh Thừa Thiên - Huế ước đón và phục vụ trên 60.000 lượt khách (tăng 20%), trong đó có khoảng 45.000 khách quốc tế (chiếm 70% - 75%), doanh thu ước đạt trên 31,5 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 ngày tết, các điểm di tích Huế đã đón hơn 35.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó Đại Nội Huế chiếm đến 80%.
Du lịch tâm linh hút khách
Điều đặc biệt của du lịch miền Trung năm nay là các điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách. Trong mấy ngày tết, không chỉ chùa Linh ứng Sơn Trà, Chùa Linh ứng Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh ứng Bà Nà, Chùa Quan Thế Âm, Lĩnh Chúa linh Từ (Đà Nẵng) chật kín du khách, mà các điểm như: mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, núi Thần Đinh, đền Liễu Hạnh Công Chúa (Quảng Bình), chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) cũng hút khách.
Ở khu hành hương tâm linh Hang Tám Cô, lượng du khách hành hương cũng rất đông. Trong khi đó, các điểm hành hương khác như núi Thần Đinh (Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) gần 10.000 lượt khách đến khám phá Chùa Non trên núi. Khu đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch đã thu hút gần 20.000 lượt khách đến cầu phúc đầu xuân. Đặc biệt, cách đền Liễu Hạnh Công Chúa 3km đi ra hướng biển Đông là Vũng Chùa, nơi có linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lượng người đổ về tăng đột biến. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 4-2 (mùng 5 Tết), trong mấy ngày tết đã có hơn 40.000 lượt người đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cao điểm nhất là ngày mùng 4 Tết đón hơn 10.000 lượt khách đến viếng.
Mặc dù, ngày mồng 6 tháng Giêng mới khai mạc lễ hội chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nhưng từ sáng mồng 1 đến chiều mùng 5 Tết, đã có gần 10.000 lượt người dân thập phương nườm nượp đổ về chùa trẩy hội, vãn cảnh.
Ông Nguyễn Duy Vỵ, Phó Ban quản lý chùa Hương Tích, cho biết: Hiện công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội đã hoàn tất và sẵn sàng phục vụ du khách tốt nhất. Năm nay thời tiết nắng ấm, hệ thống ca bin cáp treo đi lại thuận tiện nên dự tính số lượt du khách về chùa sẽ tăng lên gấp 2 lần so với các năm trước.
Cú hích cho sự phát triển
Lý giải việc du khách “ùn ùn” đổ về miền Trung du lịch trong những ngày đầu năm 2014, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết: Sở dĩ lượng khách đổ về các tỉnh miền Trung du lịch ngày càng đông, đặc biệt là dịp tết năm nay, chứng tỏ hướng đi của du lịch miền Trung hiện nay là đúng đắn. Trong nhiều năm qua, ngành du lịch các tỉnh miền Trung đã “thay đổi tư duy” làm du lịch và ngày nay đông khách đến là những kết quả ban đầu. Một trong những sự thay đổi về tư duy làm du lịch ở miền Trung đó là sự liên kết giữa các điểm đến du lịch, các di sản ở các tỉnh với nhau để tạo nên một thương hiệu “con đường di sản miền Trung”. Tại các địa phương không có Di sản thì vận dụng điều kiện tự nhiên, văn hóa sẵn có để khai thác du lịch, như: du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, du lịch sinh thái ở Phú Ninh (Quảng Nam)…
Cạnh đó, các địa phương miền Trung nhiều năm qua liên tục đổi mới sản phẩm du lịch, trong đó tại Quảng Nam có nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn như: đi phượt đường Hồ Chí Minh, tour du lịch làm nông dân ở Hội An, du lịch sinh thái hồ Phú Ninh… tạo hấp lực đối với du khách, đặc biệt là du khách phương Tây. Điều đáng nói hơn cả đó là sự ổn định về chính trị của Việt Nam đã tạo được sự an toàn và niềm tin cho du khách. Có thể nói, lượng khách đổ về miền Trung du lịch những ngày đầu năm mới là một “điềm lành” cho ngành du lịch.
Nhóm PV
Hiện Đà Nẵng đã có 16 đường bay quốc tế, trong đó có 4 đường bay trực tiếp thường kỳ và 12 đường trực tiếp thuê chuyến, tăng 8 đường bay so với năm 2012. Dự kiến trong năm 2014 sẽ có thêm các đường bay quốc tế từ Trung Quốc như Hạ Môn, Cáp Nhĩ Tân, Tân Ninh Ba, đặc biệt là các chuyến bay Narita (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan) đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số hãng bay cũng dự kiến sẽ tăng tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế tới Đà Nẵng như: Vietnam Airlines, Silk Air, Air Asia. Đây tiếp tục là những bước thành công trong phát triển vận tải hàng không, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến quốc tế trong khu vực.
NGUYÊN KHÔI
>>Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết hút khách