Cuối tháng mười, tin thời tiết thu ở TPHCM đúng ngọ 33,5°C. Ở Tháp Chàm (Phan Rang) 32,3°C. Trong khi đó lúc chúng tôi dùng bữa trưa tại khách sạn Minh Tâm trên mình vẫn còn khoác chiếc áo gió.
Rải bộ theo con đường đá ẩm ướt, hai bên lề những luống hoa hồng phô hết màu sắc của thì độ nở, tôi bất ngờ gặp sương lãng đãng nơi dốc đổ thoai thoải. Đứng bên cổng khách sạn, một cô gái Hà Nội nhỏ nhắn choàng áo len đỏ, vén một chút tay áo để lộ ra cổ tay trắng muốt, bàn tay lật ngửa hứng từng hạt sương từ trên giàn hoa từng giọt rụng xuống. Trong sân hoa khách sạn không thấy sương chỉ có hoa ánh lên sắc long lanh sương.
Tôi chợt nhớ lời giới thiệu khéo của ông giám đốc khách sạn tối hôm qua: Đà Lạt những ngày này mới đúng thì sương. Đà Lạt ban ngày sương mát, ban đêm sương lạnh. Sương Đà Lạt huyền ảo trong nắng có sương. Người trồng hoa, người trồng thổ sản, người hướng dẫn du lịch gọi hiện tượng này bằng một cụm từ thật đúng nghĩa “sương nắng”, “nắng sương”.
Du lịch vào mùa này khách thấy mình như đi trong tranh, lãng đãng như mơ, thả hồn vào cõi nhẹ, cõi hư của sương trong nắng. Ông giám đốc khách sạn bằng vào vào kiến thức lịch sử, địa lý chuyên viên “Đà Lạt học” nói gọn một câu: “Muốn được như thế các bạn hãy du lịch ngựa”.
***
Chúng tôi đang đứng trước cổng bên triền dốc để hưởng cái ấm mát sương thì tiếng móng ngựa gõ xuống đá sau lưng thật bất ngờ. Hai con ngựa một trắng, một nâu đang nghiêng đầu nhả từng luồng khói sương từ mũi. Mắt ngựa nhìn lơ đãng màn sương. Anh Lan Anh, chủ ngựa, biết tôi đang nghĩ gì về con ngựa “kim” tức ngựa trắng, anh phân bua: “Ngựa du lịch Đà Lạt không che mắt, nếu che nó không thấy sương”.
“Sao gọi nó là ngựa du lịch?”. Anh Y Côn chủ ngựa nâu, nói một bài như thuyết giảng về du lịch ngựa Đà Lạt. Ngựa có mặt ngay niên kỷ nhà bác học Yersin tìm ra đất Đà Lạt. Ngày ấy, trên chiếc xe ngựa, nhà bác học cùng với vài người dân tộc thiểu số đi tìm thêm đất mới. Chỉ không đầy hai thập niên trên đường phố Đà Lạt đã xuất hiện nhiều cỗ xe ngựa mui lợp lá gồi, móng ngựa bịt bạc, khung xe đóng gỗ kiềng kiềng, bánh xe cao đến tầm ngực người, chở những chủ Tây từ Paris sang dạo cảnh. Ít lâu sau, xe ngựa của những người bản xứ đóng theo kiểu xe thổ mộ chạy dọc những đồi tròn, móng ngựa bịt sắt, gõ xuống đường đá ban đêm tung đốm lửa như vòng quay. Tiếng bánh xe, tiếng roi vun vút làm xua tan làn sương Đà Lạt. Từ đấy người du lịch Việt Nam đầu thế kỷ lấy thú vui du lịch xe ngựa làm thú ngoạn mục.
Nội thành Đà Lạt có hơn hai mươi chủ nuôi ngựa du lịch. Mỗi chủ nuôi không quá hai con nhưng con nào ra con nấy, giống ngựa Lâm Viên, bốn vó cao như xích thố. Riêng ngựa nhà anh Nguyễn HoCil thuộc giống trắng của bạch mao. Ngựa nhà anh Đàm Vân Raxun đòn ngắn, bờm vỗ, dựng thẳng màu đỏ xích tùng. Ngựa nhà chị Dương Hàn Lý đen tuyền giống Ôriắc móng thon, ức gióng, bờm long tu.
***
Từ trong quán Phong Lan, hai cô gái Hà Lan đi ra gặp anh Lương Anh xin được xem ngựa, hỏi giá một cuộc đi. Khách xem ngựa như xem album ảnh, ngắm nghía, xét nét, áp tay, vuốt mõm, lau mắt trông có vẻ thành thạo. Hỏi mới biết các cô là con của chủ trại nuôi ngựa giống vùng thảo nguyên Hà Lan. Hai cô gái thót lên lưng ngựa không cần đặt chân lên bàn đạp. Hai tay gióng cương để hai ngựa song song xuống dốc. Hai mái tóc vàng chập chờn như hai bông hoa vông.
Chiều xuống Đà Lạt tím thu. Khách đứng ở cuối dốc đợi ngựa. Hai con tuấn mã băm băm trên đường sỏi từ đồi Cù chạy tới dừng trước đám khách, rung một vòng lục lạc gọi mời. Hai anh chủ ngựa trẻ trung đội mũ rộng vành nhảy xuống khỏi yên mời khách đi một vòng Đà Lạt.
Cặp ngựa ô theo tiếng huýt sáo của chủ thả từng bước nhỏ đến bên hai vị khách đợi dưới bóng liễu. Anh chủ ngựa sửa bàn đạp, lên gối để một cô gái bước lên. Tiếp đến một chàng trai thót lên sau, cương gióng thả ngựa đi nước kiệu. Trong màu trời tím, hai bóng ngựa đen đi trong rặng xanh liễu, một kết hợp màu làm sống lại Lâm Viên cổ kính đi trong nhịp vó câu dặm liễu.
TRÚC CHI