Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Quảng Bình được xem là 1 trong 4 khu du lịch quốc gia với hướng phát triển là tham quan, nghiên cứu; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử mà trọng tâm là Khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Thế nhưng trong nhiều năm qua, du lịch Quảng Bình chưa thể cất cánh được mặc dù lượng du khách đến gia tăng hàng năm. Nhiều thắng cảnh bị xâm phạm không thương tiếc.
Tiềm năng kêu cứu
Hơn 10 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới, có ít nhất 7 đơn vị vào đầu tư với tổng diện tích đất được giao 66,5ha ở khu vực dịch vụ hành chính. Tổng số vốn đăng ký đầu tư vào đây hơn 300 tỷ đồng, nhưng hiện tại, chỉ một mình khách sạn Sài Gòn-Quảng Bình hoạt động với một diện tích hẹp, phần đất còn lại bị các đơn vị bỏ không.
“Giật đất” hoành tráng nhất là Công ty Phát triển văn minh đô thị (Cividec-Hà Nội) với 50ha. Đơn vị này đến nay chỉ xây mỗi cây cột đá sự tích trầu cau và căn nhà hoang nặng nề giữa khu đất trống trải. Các đơn vị còn lại đến nay cũng không đầu tư thêm gì ngoài các dự án vẽ trên giấy với số tiền 300 tỷ đồng hứa đầu tư “ảo”.
Rời di sản, chúng tôi lên với tài nguyên suối khoáng nước nóng bậc nhất quốc gia (được đánh giá bởi các chuyên gia địa lý) ở xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy tận mục sở thị thấy suối nước nóng 105oC này đang bị “bức tử” chưa từng thấy. Năm 2008, tỉnh Quảng Bình giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ở đây. Theo cam kết, đơn vị này hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 9-2011. Nhưng đến nay chỉ xuất hiện căn nhà 3 tầng thô kệch. Suối nước nóng nay bị ô nhiễm nặng nề khi đơn vị làm du lịch sinh thái biến thành hồ ngâm gỗ, nước đen ngòm. Đơn vị này còn được giao 300ha rừng để làm sân golf cùng các hạng mục sinh thái khác, tuy nhiên các khoảnh rừng cứ dần thưa thớt, còn sân golf cũng chẳng thấy đâu. Anh Hồ Văn, nhà ở cạnh suối nước nóng, nói: “Mấy trăm năm nay, suối nước nóng trong vắt, tốt lắm, chữa bệnh cho dân, cho bộ đội. Nhưng từ khi công ty này về thì suối trở thành bãi rác để họ ngâm sấy gỗ thông”.
Rác từ rừng đến biển
Tài liệu giám sát của Ban Kinh tế HĐND tỉnh Quảng Bình mới đây có đề cập đến một điểm yếu cố hữu của du lịch vùng ở đây, đó là bảo vệ môi trường. Tài liệu này viết: “Công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch của một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy định khi còn khá nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng chưa thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Đã phát hiện một số nhà hàng vi phạm bảo vệ môi trường như Nhà hàng Bình Yên, Hải Đăng, Biển Đông, Hải Dương... Cùng đó, khá nhiều khu, điểm du lịch công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc rác thải chưa được thu gom triệt để gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường sống”.
Các chuyên gia du lịch ở nơi khác đến khi đi qua thắng cảnh biển Đá Nhảy dọc quốc lộ 1A (Thanh Trạch, Bố Trạch) thấy một dãy nhà thô cứng, xây dang dở, phá nát bộ mặt bãi biển, đã phải thốt lên rằng: “Một thứ rác xây dựng, thiết kế không tôn trọng môi trường, cảnh quan đã làm xấu không gian lộng lẫy ở bãi biển này”. Trên núi Thần Đinh, một địa chỉ tâm linh thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi mùa lễ hội sau tết và ngày rằm, nhưng rác không được thu gom đưa xuống núi mà chất đống khiến ruồi nhặng, xú uế mỗi năm mỗi đắp dày lên ở vùng núi thiêng này. Trong khi đó, các nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ không có giấy phép hoạt động cứ ngang nhiên xả tất cả các loại rác xuống sông, khiến du khách và người dân bất bình nhưng địa phương vẫn không có cách nào kiềm tỏa việc này.
Có hai công trình khác được đầu tư ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng mà người ta nhìn vào chẳng khác nào một thứ “rác” hiện đại. Đó là công trình tháp nước sạch có vốn đầu tư 7,2 tỷ đồng, hoàn thành hơn 6 năm nay nhưng không cấp được giọt nước nào cho dân cư và khách du lịch. Trong khi đó, một con đường được coi là đường du lịch xuyên cánh đồng ở xã Sơn Trạch, rộng 32m, vốn đầu tư từ Sở VH-TT-DL với 33 tỷ đồng chẳng được sử dụng vì là đường cụt, dân cư thưa thớt, du khách không mặn mà dạo bước.
Yếu nhân lực
Du khách quốc tế đến Quảng Bình ngày càng đông bởi hệ thống hang động được truyền thông trên thế giới nhiều hơn trước. Đối lập với mạng lưới khách trong và ngoài nước tấp nập thì hệ thống nghỉ dưỡng ở đây vẫn còn yếu và thiếu. Rất ít các điểm lưu trú cao cấp. Các nhà nghỉ và khách sạn lẻ phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Ông Hà Minh Tuân, Phó phòng Du lịch Sở VH-TT-DL Quảng Bình cho biết: “Nhân lực du lịch yếu và thiếu cả về nhân viên lẫn nhân sự điều hành. Các nhà nghỉ, khách sạn chủ yếu là tự phát của gia đình, nên nhân viên là con cháu từ quê ra không được tập huấn nghiệp vụ du lịch, cũng như tiếng Anh hoặc kỹ năng phục vụ. Sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa các ngành cũng làm nhân lực phát triển du lịch chưa mạnh lên để đáp ứng các nhu cầu của khách”. Số liệu xúc tiến du lịch hàng năm từ Sở VH-TT-DL được ngân sách tỉnh rót kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Theo ông Hà Minh Tuân, chỉ đủ để xúc tiến du lịch ở Hà Nội hoặc TPHCM và một nước khác là Lào hoặc Thái Lan. Vì kinh phí eo hẹp nên việc xúc tiến không thể diễn ra nhiều nơi, nhiều nước nên lượng du khách quốc tế đến với Quảng Bình không bằng với du lịch Đà Nẵng và Huế, mặc dù mỗi năm lượng khách quốc tế đến Quảng Bình tăng đến hàng chục phần trăm.
Người ta mong đợi và đặt câu hỏi rằng du lịch Quảng Bình sẽ cất cánh như thế nào để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020? Bên lề một sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, đã thông tin như cách giải đáp rằng, một tập đoàn lớn sẽ đầu tư đồng bộ vào các địa chỉ du lịch của địa phương mà điểm nhấn là các hang động và những thắng cảnh khác. Nguồn vốn có thể hơn 3.000 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có những cuộc tiếp xúc với tập đoàn này và hy vọng các tiềm năng sẽ được đánh thức đúng nghĩa.
MINH PHONG