Vụ chìm tàu du lịch tại Hạ Long làm nhiều du khách nước ngoài thiệt mạng cũng như vụ tàu khu du lịch Dìn Ký (Bình Dương) bị lật khiến 16 người chết thảm khiến dư luận hết sức quan tâm. Đến lúc này, nhiều người không khỏi giật mình khi nghĩ tới ĐBSCL đang có nhiều loại hình phục vụ khách tham quan, ăn uống, nghỉ đêm trên sông bằng thuyền, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Tàu du lịch “chui” hoành hành chợ nổi
Vừa đến bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chúng tôi bị bao vây bởi “đội quân” hùng hậu làm du lịch “chui” mời chào dịch vụ tham quan sông nước, chợ nổi bằng tàu, xuồng máy, ghe chèo. Chúng tôi hùn tiền chọn thuê 1 tàu “chui” ngay tại bến Ninh Kiều với giá 250.000 đồng/tua 2 giờ.
Sau khi chung chi với cò, tài công thúc giục khách nhanh chân leo qua lan can công viên Ninh Kiều xuống tàu để tránh bị bảo vệ lập biên bản.
Trước thắc mắc của nhóm du khách vì sao tàu được sơn màu xanh - trắng đề chữ CT Tourist nhưng không có bến đưa rước đường hoàng, tài công tên N.V.T. (cũng là chủ tàu, ở phường Hưng Phú quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trả lời tỉnh queo: “Tàu chui làm gì có bến?! Mấy năm trước tàu này chở rau, cá từ Cái Răng qua bỏ mối bên chợ Cần Thơ. Bây giờ xây dựng đô thị mới lấn hết đất trồng màu, cá mắm cũng không nhiều, tôi sơn tàu lại, chuyển qua làm… du lịch”.
Thấy du khách ngỡ ngàng, ông T. trấn an: “Các công ty du lịch có mấy chiếc tàu thôi, hầu hết là hợp đồng với tàu tư nhân bên ngoài như chúng tôi chở khách. Tụi này lấy giá rẻ hơn. Ở bến Ninh Kiều này có cả trăm tàu chui chứ có riêng mình tui đâu mà lo”. Tìm khắp trên tàu, chúng tôi thấy có vỏn vẹn 4 cái áo phao dơ bẩn được nhét vào thùng gỗ phía sau lưng tài công. Tại chợ nổi Cái Răng, luôn sẵn sàng hàng chục tàu, xuồng du lịch chui săn đón khách suốt ngày với giá cả linh động tùy theo giờ giấc, số người tham quan…
Gần 2 giờ tham quan từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng, chúng tôi chứng kiến hàng loạt lượt tàu chui và tàu của các công ty du lịch phục vụ khách giữa sông nước mênh mông nhưng số lượng người mặc áo phao rất hiếm hoi. Nhiều lần du khách không khỏi ú tim khi tài công có những pha băng ngang, quay đầu giữa rừng tàu ghe tấp nập.
Trong khi đó, nhiều thanh niên lái xuồng máy biểu diễn lạng lách, xoay vòng, đua tốc độ tiếp cận các tàu du lịch chào bán nước uống, trái cây, thuốc lá… Đặc biệt, những du khách đi lần đầu không khỏi hoảng hốt mỗi khi có tàu cao tốc ầm ầm băng qua chợ nổi nhộn nhịp ghe, tàu, nước văng tung tóe.
Bến Ninh Kiều hiện có khoảng 120 tàu thuộc sự quản lý của các công ty du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, hơn 90% số tàu do các công ty du lịch liên kết với tư nhân thực hiện. Đội ghe, tàu du lịch này không trang bị đủ phao cứu sinh, tài công không bằng lái…
Do vấn đề an toàn được xem nhẹ nên tai nạn xảy ra cũng khó tránh khỏi… Sáng 23-3-2009, một tàu du lịch chui chở 12 du khách (9 người quốc tịch Pháp, Đức; 2 Việt kiều Mỹ và 1 người Việt Nam) tham quan chợ nổi Cái Răng đã đụng một sà lan tải trọng lớn. Toàn bộ du khách văng xuống sông giữa dòng nước chảy xiết và có 2 người thiệt mạng.
Ẩn họa trên nhà hàng nổi, du thuyền
Cần Thơ hiện có gần 10 nhà hàng du thuyền lớn nhỏ phục vụ khách du lịch ăn uống, nghe ca nhạc, đờn ca tài tử, tham quan sông nước. Trong số này, 7 du thuyền có dịch vụ nghỉ đêm trên sông với số lượng 5-7 phòng/phương tiện.
Còn tại TP Long Xuyên (An Giang), nhà hàng Hai Lúa cũng có dịch vụ du thuyền chở khách ăn nhậu trên sông từ 8 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Một nhân viên tại đây cho biết nhà hàng Hai Lúa có tất cả 5 du thuyền lớn, nhỏ. Thực ra đây là những chiếc trẹt bằng gỗ có đặt động cơ, kích thước và trọng tải nhỏ. Các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang… cũng có nhà hàng trên sông phục vụ du lịch...
Đến nay, người dân TP Cần Thơ vẫn chưa quên vụ nhà hàng nổi 2 tầng Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị chìm hồi đầu năm 2011, làm hơn 200 thực khách của một ngân hàng đang dùng tiệc hoảng loạn. Rất may, nhà hàng này chìm khi neo đậu ngay bến nên hơn 200 khách kịp thời thoát nạn. Khi đó, cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện nhà hàng nổi này không có giấy phép hoạt động, không trang bị phao cứu sinh, phương tiện chữa cháy…
Còn tại du thuyền Cần Thơ “quảng cáo” có sức chứa 500 khách nhưng khi chúng tôi liên hệ muốn đặt tiệc với 600 khách, người quản lý vẫn nhận lời. Trong khi đó, thông tin từ Phòng CSGT đường thủy TP Cần Thơ, nhà hàng du thuyền Cần Thơ chỉ có sức chứa tối đa 400 người… Một cán bộ Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ cho biết: “Qua kiểm tra, một số du thuyền phục vụ nghỉ đêm thiếu dụng cụ cứu sinh, chưa đảm bảo an toàn đã bị lập biên bản, bắt buộc có biện pháp khắc phục”.
Thượng tá Hồ Văn Năm, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Trong đợt cao điểm kiểm tra vừa qua, lực lượng liên ngành Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ đã lập biên bản đình chỉ hoạt động 2 nhà hàng nổi Mỹ Xuyên và Mỹ Khánh vì chưa đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo các điều kiện an toàn phương tiện và bến bãi… Để đảm bảo an toàn cho người dân, sắp tới, sẽ kiểm tra quyết liệt. Những phương tiện chở khách, nhà hàng nổi, du thuyền không đảm bảo an toàn sẽ bị xử phạt nặng, đình chỉ hoạt động, tạm giữ phương tiện”.
Ông Hồ Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Tình trạng phương tiện giao thông thủy không đăng ký, đăng kiểm còn rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Toàn TP có 65.991 phương tiện giao thông thủy nhưng chỉ có 5.501 phương tiện được đăng ký. Trong số 25.903 phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm, đăng ký nhưng chỉ có 6.245 phương tiện thực hiện. Trong khi đó, chỉ có 10.760 người có chứng chỉ chuyên môn, thuyền trưởng, máy trưởng. |
BÌNH ĐẠI
- Thông tin liên quan:
>> Tin mới nhất xung quanh vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký
>> Khởi tố vụ án chìm tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký
>> Mở rộng điều tra vụ án chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký (Bình Dương)