Du lịch tới “vùng đất chết”

5 năm sau thảm họa động đất - sóng thần, thị trấn nhỏ Namie ở Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản, nay đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Namie còn được gọi là thị trấn ma. Ở đây không có cư dân sinh sống, nhà cửa và trường học bị bỏ hoang, nhiều vùng đất bị bỏ không do lực lượng chức năng chưa thể cải tạo vì phóng xạ. Hiện chỉ có những tình nguyện viên chấp nhận đến để làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan. Giống như khu trại tập trung ở Ba Lan hay Ground Zero (Khu vực số 0) ở New York (Mỹ), hàng năm, có đến hơn 2.000 khách du lịch mạo hiểm đăng ký đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng trong thảm họa, thậm chí cả những khu vực cấm vào do lo ngại lượng phóng xạ giải phóng ra ngoài môi trường.

Ông Shinichi Niitsuma, một trong 10 tình nguyện viên đảm nhận vai trò hướng dẫn viên tại Namie, cho biết, ngoại trừ Chernobyl, sẽ không có nơi nào giống như Fukushima có cảnh tượng tàn phá tan thương mà thảm họa hạt nhân đem lại. Do lo ngại ảnh hưởng của nồng độ phóng xạ quá lớn trong môi trường, người dân tại Namie buộc phải sơ tán khẩn cấp. Cho đến nay, sau 5 năm, vẫn chưa có một ai trở về. Đội ngũ hướng dẫn viên bắt buộc phải sử dụng máy dò phóng xạ để tránh những khu vực nguy hiểm. Chia sẻ cảm nhận sau chuyến đi, thầy giáo dạy tiếng Anh Tom Bridges cho biết, đây không phải là một chuyến đi vui vẻ nhưng là chuyến đi cần thiết. Nó khiến con người phải nhìn nhận lại những hậu quả khôn lường từ thảm họa điện hạt nhân.

Bà Akiko Onuki, cựu giáo viên trường trung học ở Namie, một trong những người sống sót sau thảm họa, hiện tại là một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, đang hợp sức cùng những người dân ở khu vực thảm họa phản đối kế hoạch mở cửa lại các nhà máy điện hạt nhân. Theo bà Akiko, nước Nhật không nên để tái diễn một thảm họa Fukushima thứ hai trong tương lai.

Thảm họa Fukushima năm 2011 đã buộc giới chức Nhật Bản đóng cửa hàng chục nhà máy hạt nhân trong hai năm trước sức ép của dư luận lo lắng về độ an toàn và khả năng cao tiếp xúc với phóng xạ. Nhưng hiện nay, chính phủ lại bắt tay vào việc vận hành lại các nhà máy, với tuyên bố đất nước cần phải phát triển năng lượng hạt nhân. Theo các đánh giá mới nhất của Bộ Môi trường Nhật Bản, công tác xử lý ô nhiễm, trong đó có việc làm sạch chất nhiễm xạ sau thảm họa hạt nhân vẫn đang diễn ra tại 1/3 số thành phố bị ảnh hưởng.

Trong số 43 thành phố tại tỉnh Fukushima, chỉ có 14 thành phố hoàn toàn sạch ô nhiễm. Con số thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản và của Cơ quan Tái thiết cho biết, hơn 3.400 người sống sót sau thảm họa năm 2011 đã qua đời vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến thảm họa này, đa số ở tỉnh Fukushima (chiếm 58%). 174.471 người vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà tạm hoặc phải ở nhờ nhà người thân. 43.139 người dân Fukushima vẫn đang sống ở ngoài tỉnh này. Nhiều người từ chối trở về Fukushima vì sợ không an toàn đã khiến nơi đây càng thưa thớt dân cư. Nhận định về những chuyến du lịch ở vùng thảm họa, ông Philip Stone, Giám đốc Viện Nghiên cứu du lịch tưởng niệm ở Trường Đại học Central Lancashire (Anh), cho rằng ký ức đau buồn trong những chuyến đi chính là lời cảnh báo từ lịch sử về những gì sẽ xảy ra trong hiện tại và tương lai nếu thiếu cân nhắc trong mọi quyết định.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục