Du lịch văn hóa

Cứ mỗi dịp lễ tết, người ta lại quan tâm nhiều hơn đến chuyện du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, giao lưu… Ngày nay, các loại hình du lịch rất phong phú, đa dạng. Có thể kể đến du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch về nguồn, du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, du lịch nghiên cứu học tập, du lịch chùa chiền… Nhiều nước còn bày ra nhiều thứ du lịch lạ: du lịch tắm nắng (Thổ Nhĩ Kỳ), du lịch nhà tù (Indonesia), du lịch mạo hiểm (Iraq), du lịch tắm băng (Phần Lan)...

Riêng tại Việt Nam phổ biến và cốt lõi vẫn là du lịch văn hóa, trong đó có tham quan danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử, có nghỉ dưỡng, học tập, khám phá biển đảo quê hương, giao lưu… Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống, kể cả những phong tục tín ngưỡng,... để tạo sức hút đối với khách về sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Đối với du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán địa phương, du lịch văn hóa là cơ hội tốt cho nhu cầu của họ. Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là nơi đây đó còn tồn tại đói nghèo. Những cuộc khảo sát cho thấy du khách thường lựa chọn những lễ hội của các nước để tham gia những chuyến du lịch nước ngoài.

Bởi thế, thu hút khách tham gia du lịch văn hóa cũng tức là tạo ra dòng chảy mới và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Những nguồn lợi này chưa hẳn tạo ra giá trị kinh tế lớn cho ngành du lịch, nhưng về lâu dài lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. “Du lịch văn hóa là xu hướng của nhiều nước và rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, góp phần xóa đói giảm nghèo, vì vậy phải được xem là hướng phát triển của ngành du lịch chúng ta” - Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhận định hữu lý như vậy. Ở Việt Nam, nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức dựa trên những đặc điểm của vùng miền. Chương trình Lễ hội Đất phương Nam (Lễ hội văn hóa dân gian vùng đồng bằng Nam bộ), Du lịch Điện Biên (Lễ hội văn hóa Tây Bắc kết hợp với kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ), Con đường di sản miền Trung (Lễ hội dân gian kết hợp tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận), du lịch lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), du lịch về vùng đất Tổ vua Hùng (Phú Thọ)... là những hoạt động của du lịch văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trong số đó, Festival Huế được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam.

Tuy nhiên việc sắp xếp các hoạt động văn hóa, kho tàng di sản phục vụ cho nền công nghiệp không khói còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa đi vào nền nếp. Các công ty lữ hành, các nhà làm tour cũng chưa nâng cao ý thức quảng bá tới du khách những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, ít thiết kế tour du lịch gắn kết với thưởng thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, khám phá những công trình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các đơn vị văn hóa lại ít năng động giới thiệu những nét đặc trưng trong kho tàng văn hóa dân gian và cũng thiếu chủ động phối hợp hoạt động song hành với các tour du lịch.

Bên cạnh đó, giá cả dịch vụ vui chơi giải trí, ăn nghỉ, di chuyển trong các mùa cao điểm lễ tết luôn là nỗi lo canh cánh đối với du khách và các nhà làm tour. Tình trạng bắt chẹt tính giá trên trời, đu theo du khách nằn nỉ bán hàng lưu niệm, vé số, đánh giày… là một hình ảnh xấu, làm giảm đi ý nghĩa của phương châm “thân thiện, an toàn” vốn là thế mạnh của ngành du lịch, là chuẩn chất văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động du lịch và văn hóa là hết sức cần thiết để tạo nội lực phát triển, quảng bá du lịch và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Ngày nay du lịch văn hóa là một xu hướng mới do đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng xã hội nên cần nhân rộng và phát triển.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục