Ngày 28-10, trong khi lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cũng như các thị trường hoan nghênh và có phản ứng tích cực với thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được để xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thì cũng có những hoài nghi và phản ứng trái chiều.
Chỉ là nỗ lực chắp vá
Trong khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde hoan nghênh thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU và coi đó là bước quan trọng để giải quyết khủng hoảng thì nhiều chính khách và chuyên gia kinh tế chỉ trích những giải pháp cứu các quốc gia mắc nợ ngập đầu và cho rằng cứ để Hy Lạp vỡ nợ. Không ít nhà kinh tế cũng ủng hộ việc để Hy Lạp phá sản.
Tại Washington, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ tại quốc hội đã kêu gọi Tổng thống Obama không dành bất kỳ khoản đóng góp mới nào vào IMF (như đã hứa) để cứu trợ cho các nước châu Âu bị khủng hoảng nợ công. Họ cho rằng việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho EU vào thời điểm hiện nay là không thích hợp khi nợ của Mỹ cũng đã lên tới 15.000 tỷ USD và một lý do nữa mà các nghị sĩ này không muốn Mỹ cứu trợ EU bởi cho rằng EU là đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.
Mặc dù tuyên bố ủng hộ eurozone nhưng Nhật Bản và Nga cũng tỏ ra thận trọng và còn đôi chút hoài nghi về hiệu quả của những biện pháp mà các nhà lãnh đạo EU vừa đưa ra. Báo chí Anh nhận định thỏa thuận đạt được chẳng khác nào “những mảnh vữa được hàn gắn bằng thạch cao”.
Các nhà phân tích kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế “Capital Economic”, một trong những cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế hàng đầu trên thế giới, cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp nói trên đối với tăng trưởng kinh tế của eurozone - một yếu tố then chốt có thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực. “Capital Economic” cho rằng các biện pháp này chỉ có thể là giải pháp nhất thời chứ không giải quyết được cơ bản những căn nguyên dẫn đến khủng hoảng nợ công của eurozone.
Có dễ nâng EFSF lên 1.000 tỷ EUR?
Thực tế thời gian qua chính phủ của 27 quốc gia châu Âu, trong đó có 17 nước sử dụng đồng EUR, đã dồn sức để tháo gỡ cuộc khủng hoảng bằng cách thành lập Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của quỹ này không như mong đợi. Lần này, với thỏa thuận đưa quỹ từ 440 tỷ EUR lên 1.000 tỷ EUR, để đủ sức ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công không lây sang Italia và Tây Ban Nha, dư luận vẫn hoài nghi tính khả thi của kế hoạch chi tiết sẽ được các bộ trưởng tài chính eurozone đưa ra trong tháng 11 tới.
EU hiện đang muốn tạo ra một phương tiện đầu tư đặc biệt để huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, như Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Đông thông qua việc mua trái phiếu của các quốc gia mắc nợ.
Ngày 28-10, lãnh đạo EFSF Klaus Regling đã đến Bắc Kinh để thuyết phục Trung Quốc “rót” tiền vào quỹ này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc huy động vốn từ các “nhà đầu tư ngoài châu Âu” là một vấn đề xem ra rất nhạy cảm về chính trị và khó có thể nêu ra cụ thể. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố ủng hộ EFSF nhưng Bắc Kinh vẫn chưa có cam kết cụ thể về tài chính hoặc sự hỗ trợ nào cho quỹ này.
Trong buổi làm việc với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 28-10, Giám đốc EFSF Klaus Regling cho biết hai bên không có thỏa thuận nào về việc Trung Quốc rót tiền vào quỹ này. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng nói rằng châu Âu phải chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng nợ công và không nên trông chờ vào “người ngoài”.
Sau khoảng 13 hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo eurozone cuối cùng cũng tuyên bố đã tìm ra giải pháp mà họ cho là sẽ giải quyết được mấu chốt cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, báo Global Post cho rằng đằng sau những tuyên bố hồ hởi, các nhà lãnh đạo châu Âu nên biết rằng cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc.
Xuân Hạnh