Trước thực trạng nạn tham nhũng có dấu hiệu tái hoành hành tại nhiều doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Hàn Quốc đã xem xét một dự luật trừng phạt mới nghiêm khắc hơn. Dự luật quy định, tất cả thành viên công ty nhà nước từ lãnh đạo tới nhân viên sẽ bị sa thải nếu phát hiện có liên quan tới hành vi phạm pháp bao gồm hối lộ và tham ô, không những bị phạt tù mà còn bị cấm hoạt động trong các cơ quan nhà nước sau khi ra tù.
Hình phạt này cho đến nay mới chỉ được áp dụng với nhân viên chính phủ và quan chức cấp cao trong các doanh nghiệp quốc doanh. Dự luật được soạn thảo vào lúc Hàn Quốc đang thúc đẩy chiến dịch “công bằng xã hội”, làm trong sạch bộ máy nhà nước và triệt tiêu tham nhũng.
Từ những năm 1990 đến nay, Hàn Quốc đã thi hành nhiều biện pháp nghiêm khắc chống tham nhũng như tịch thu tài sản tham ô và bắt giam hàng trăm quan chức chính phủ có liên quan đến tội tham nhũng. Con của các tổng thống Kim Dae Jung và Kim Young Sam đã phải vào tù vì nhận hối lộ. Hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo cũng chịu các mức án lần lượt là chung thân và 17 năm tù vì nhận hàng triệu USD từ các tập đoàn lớn của nước này (hai ông này được ân xá năm 1997). Trong giới kinh doanh, hàng chục lãnh đạo các tập đoàn lớn như Daewoo, Hyundai... cũng lần lượt vào tù vì các sai phạm.
Thế nhưng, tệ tham nhũng vẫn chưa được bài trừ tận gốc. Hàng loạt vụ tham nhũng được phanh phui trong thời gian gần đây khiến dư luận bất bình. Cuối tháng 5, cựu chuyên viên giám sát Eun Jin Soo, từng là trợ lý thân cận của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị bắt khẩn cấp vì bị cáo buộc nhận hối lộ và trì hoãn thời gian công bố kết quả kiểm toán của Ngân hàng Tiết kiệm Busan.
Vụ việc được coi là một đòn giáng rất mạnh vào Tổng thống Lee Myung-bak và kế hoạch cải tổ của ông trước thềm bầu cử. Ngân hàng Tiết kiệm Busan bị phát hiện dính líu vào các hoạt động phi pháp liên quan đến hàng tỷ USD và bị đình chỉ hoạt động vào tháng 2. Mới đây, cựu Thứ trưởng văn hóa Shin Jae Min dính bê bối với cáo buộc nhận hối lộ từ Chủ tịch Tập đoàn SLS Lee Kuk Chul trong gần 10 năm qua.
Trong bài viết đăng trên Korea Times, chuyên gia phân tích Kim Sung-soo đã chua chát nói rằng: “Một xã hội công bằng chỉ là giấc mơ thoáng qua khi nạn tham nhũng vẫn tiếp tục”. Hàn Quốc là nền kinh tế xếp hạng thứ 14 trên thế giới nhưng nạn tham nhũng vẫn trong tình trạng báo động.
Theo Tổ chức Minh bạch thế giới, trong năm 2010, Hàn Quốc xếp thứ 39/178 quốc gia có tệ nạn tham nhũng. Số công chức, quan chức nhà nước tham nhũng đã tăng gấp đôi chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010.
Theo ông Kim Sung-soo, điều này phản ánh hiện thực kinh tế càng phát triển thì nạn tham nhũng càng hoành hành. Kết quả thăm dò dư luận do Chính phủ Hàn Quốc tiến hành vào tháng 9 cho biết, có đến hơn 80% người dân cho rằng tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng nhất xảy ra tại đất nước này.
Từ trước đến nay, tham nhũng là loại ung nhọt xảy ra ở rất nhiều quốc gia. Với một đất nước phát triển như Hàn Quốc, cuộc chiến chống tham nhũng lại càng cam go hơn khi các hình thức tham nhũng ngày càng tinh vi và rất khó phát hiện.
Dư luận Hàn Quốc cho rằng, việc cho ra đời thêm một dự luật chống tham nhũng là điều cần phải làm trong lúc này để bài trừ tận gốc nỗi nhức nhối và mang lại sự công bằng trong một xã hội phát triển.
Thanh Hằng