Ở phần phía Bắc của dãy Trường Sơn, khối núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) phát lộ hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Năm 2012, khi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh trở lại nghiên cứu thêm các thông số khoa học, chúng tôi may mắn được theo chân họ và đã có được trải nghiệm vô cùng thú vị.
Đường đến Sơn Đoòng
Con đường Hồ Chí Minh tuyến Tây Trường Sơn ẩn hiện giữa mây giăng đầu sáng sớm. Cây số 35 là điểm tập kết. Chúng tôi được theo ông bà Howard Limbert cùng một đoàn làm phim đến từ Nhật Bản. Họ thuê hơn 50 người địa phương ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch) để gùi thồ máy móc, kể cả mấy chiếc máy nổ cho phát điện cũng cõng trên lưng.
Con đường xuống thung lũng Hạ Đoòng đẹp như trong truyện cổ tích, ở đó có màu lá cây rừng nơi vàng, nơi đỏ, nơi tím. Dọc đường đi bướm bay rậm rạp từng đàn. Đổ xuống hai cái cua dốc, vượt qua một cái suối nhỏ, trời chạm trưa, chúng tôi đến một bản nhỏ 6 hộ dân với 21 người Vân Kiều sinh sống. Họ hòa hợp với thiên nhiên trong thung lũng Đoòng màu mỡ.
Ở đó, cái ăn với họ dễ kiếm như màu lá rừng xanh, bởi sản vật cây quả từ rừng và cá dưới suối nhiều vô kể. Dừng lại cho bữa trưa cơm vừng, một chút ngã lưng dưới góc nhà sàn, cả đoàn tiếp tục hành trình vượt suối Rào Thương, một con suối trong lành tận đáy.
Lội bộ đến cuối chiều, trước mắt chúng tôi hiện ra một cửa hang hình cánh chim. Hồ Khanh, người tìm ra các hang động ngoạn mục ở Kẻ Bàng nói đó là Hang Én. Mọi người được ra hiệu hạ trại. Nước Rào Thương chảy đến Hang Én mát lạnh, ở dưới đó cá nhiều đến đậm đặc. Bữa ăn được những người gùi thồ chuẩn bị, mọi người tham quan Hang Én đồ sộ với trần vút lên hơn 70m, dài 1,7km.
Howard Limbert nói: “Ngày mai, chúng ta sẽ chứng kiến một hang động khác to lớn hơn đây nhiều lần và trong đời các bạn, chưa bao giờ thấy cái gì kỳ vĩ như thế. Nó bí ẩn, thật sự bí ẩn”.
Kỳ quan của thế kỷ 21
Bữa sáng hôm sau ở Hang Én mọi người dậy thật sớm, hàng ngàn con chim én chao liệng giữa trời xanh, những tiếng kêu ríu ríu từ trần hang vọng lại mê đắm. Bữa cháo cá mát từ suối Rào Thương mà những người gùi thồ đánh bắt đêm qua ngọt lịm đầu lưỡi.
Trời hừng đông, mọi người xuyên qua 1,7km chiều dài Hang Én để ra cửa sau của nó, tiếp tục hành trình vượt đá tai mèo đi đến Sơn Đoòng. Trưởng đoàn thám hiểm, Howard Limbert nói: “Chúng ta đang chuẩn bị được chiêm ngưỡng một trong những hang động to lớn nhất ở Phong Nha-Kẻ Bàng, một tuyệt tác của trái đất, nó lớn ngoài sức tưởng tượng”.
Đi được hai tiếng, cửa hang Sơn Đoòng hiện ra, không một cửa hang nào có thể khổng lồ như thế, cao hơn 100m, tính cả chiều sâu của hang dưới thung lũng kia, nó còn cao nữa. Những người chuyên nghiệp của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh mau chóng rải dây thừng vào vách đá để mọi người lần lượt xuống lòng hang, dưới đó là cả một thế giới cổ đại của 400 triệu năm qua.
Những cột thạch nhũ có đường kính đến hơn 10m, cao cả trăm mét hoàn toàn chưa xuất hiện tại bất cứ hang động nào. Có cột thạch nhũ cao đến 120m, con người đứng trên đó thật nhỏ bé với nó, và để trèo lên được đỉnh cao đó, đoàn thám hiểm đã phải mất gần ba giờ đồng hồ với những đinh vít bắn vào thật chắc để néo dây bảo hiểm.
Đi dưới lòng hang Sơn Đoòng, bà Deb, vợ ông Howard nói về các kiểu trầm tích gồm cuội thô, trầm tích đất sét, trầm tích bụi cát, trầm tích đá vôi, và lạ nhất là trầm tích ngọc đá cuộn tròn ở nhiều hố trông rất lạ mắt. Trong đó, có cả một thung lũng bậc thang màu xanh hiếm thấy. Chúng chạy từng đường bậc thang uốn lượn. Nó là kết quả bào mòn bởi hàng tỷ trận lũ để có thung lũng đá vôi trong lòng hang này. Màu xanh của nó được tạo ra bởi một loài rêu hang động, nhìn xa, chúng huyền bí như đại dương.
Nhiều đoạn hang, nếu đứng phía giữa, sẽ không nhìn thấy được hai bên bờ vách Sơn Đoòng, chúng quá rộng, chỉ đèn cao áp của máy nổ chiếu sáng mới thấy được lờ mờ chân vách, nhưng ở trần hang, không một ngọn đèn nào mang theo có thể rọi đến, chỉ dùng được thiết bị chuyên dụng đo bằng tia laze của đoàn thám hiểm mới thấu được.
Thám hiểm Sơn Đoòng một ngày, vượt qua khu suối như thác, đoàn quyết định hạ trại. Một đêm ở lại trong đó, được bao bọc bởi không gian của hàng trăm triệu năm dội lại, thấy sung sướng, vinh hạnh lạ lùng. Hôm sau, mọi người rời trại, đến nơi đặc biệt nhất của Sơn Đoòng, rừng trong hang động. Nó rộng hơn 2ha, là nơi mà các đứt gãy làm ra hố sụt cực lớn, ở đó những mầm sống được mọc lên không phải từ đất mà quang hợp bởi ánh nắng, và thân bám vào lớp đá vôi cứng, chắc.
Vậy nên thân cây ở đây khẳng khiu và chúng luôn hướng đến ánh sáng ở phía trên kia, cách mặt hố sụt đến 350m. Nghĩa là so với mặt đất của rừng Kẻ Bàng, ở phía dưới sâu 350m có một khu rừng, thật là có một không hai. Ở đó không chỉ có cây mà còn có cả nhiều loài chim, côn trùng. Các nhà khoa học đã tìm thấy ba loài côn trùng mới ở đây, một số loài thực vật khác đang xác định danh tính.
Đặc biệt, chúng tôi được chỉ rõ cách đá “trưởng thành”. Các nhà thám hiểm nói rằng, có một hệ canxi non từ đá vôi quanh khu rừng này hướng đến ánh sáng để lớn lên. Mỗi năm chúng lớn vài milimét, chỉ có thể chụp ảnh và đo bằng các thiết bị chuyên dụng, nhưng chúng thường có cách mọc xiên rất lạ mắt.
Mọi người đi trong Sơn Đoòng không hết ngỡ ngàng, bởi ẩn chứa trong lòng hang động này là cả một bề dày thời gian cả mấy trăm triệu năm. Cuối hang là một bức tường thạch nhũ khổng lồ, hoàn toàn là can-xi thuần khiết, mà các nhà địa mạo thống nhất gọi là bức tường Việt Nam, bởi bề dày chưa xác định, nhưng độ cao lại lên cả trăm mét, dài hàng chục mét. Vượt qua đây, sẽ đến một hồ nước cạn, vượt hồ nước sẽ đến với cửa sau của Sơn Đoòng, kết thúc chuyến du thám vào lòng hang đồ sộ nhất thế giới. Đó là một cơ may hiếm hoi với chúng tôi.
Sơn Đoòng là gia tài, là báu vật quốc gia, không thể nơi nào có thể sở hữu một cổ vật tự nhiên lớn hơn thế và vĩ đại hơn thế về địa mạo địa chất, đó là nhận định của những nhà thám hiểm hang động lừng danh đến từ Vương quốc Anh.
| |
Minh Phong - Thùy Dung