Liên quan đến bài viết “Nghị định xử phạt môi trường mới tận triệt doanh nghiệp” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 6-5, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến doanh nghiệp xung quanh những quy định được cho là bất cập, thiếu thực tế của dự thảo nghị định này.
Nặng về thủ tục
Mở đầu hội nghị góp ý, đại diện Công ty Đầu tư hạ tầng khu chế xuất (KCX) Linh Trung bức xúc: “Mới chỉ đọc vài trang đầu trong dự thảo nghị định tôi đã không dám đọc tiếp vì sợ… nhồi máu cơ tim. Quy định cán bộ môi trường sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và có khả năng tăng lên 2 tỷ đồng nếu xác định có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cá nhân tôi và những người làm công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp sớm xin từ chức, nghỉ việc chứ lấy đâu ra tiền trả phạt”. Đồng thuận với ý kiến này, đại diện Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình nhấn mạnh: Trung bình mỗi cán bộ môi trường đi làm chỉ với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức phạt trên lấy tiền đâu mà trả đủ. Đó là chưa kể, trong dự thảo nghị định, cán bộ môi trường có hành động cản trở, không hợp tác với cơ quan chức năng thanh - kiểm tra còn bị phạt 300 - 340 triệu đồng. Điều đáng nói hành động thế nào được xem là cản trở người thi hành kiểm tra, lại do cán bộ thanh - kiểm tra tự cảm nhận và định đoạt.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng dự thảo nghị định mới quá nặng về thủ tục, mang tính chủ quan tùy theo cảm nhận của cán bộ thanh tra, kiểm tra và mức phạt quá cao, tùy tiện và áp đặt. Cụ thể, điều 8 mục 1 quy định, quy chuẩn quốc gia là quy chuẩn cơ bản nhưng nếu địa phương có quy chuẩn riêng thì áp dụng theo quy chuẩn địa phương. Vậy địa phương được hiểu như thế nào là thành phố, tỉnh, hay quận, huyện, xã phường… và trong trường hợp mỗi địa phương có những quy chuẩn khác nhau về môi trường thì sẽ theo ai, trong khi chỉ cần sai lệch một chút về thông số tiêu chuẩn là doanh nghiệp đã có thể đối mặt với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Dự thảo nghị định còn nhiều quy định mà doanh nghiệp có thể bị quy kết “có tội” theo cảm nhận chủ quan của người thanh tra, kiểm tra. Đơn cử như quy định doanh nghiệp vận hành không đúng, không đủ hoặc không đúng tần suất hệ thống xử lý chất thải cũng sẽ bị phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thế nào là đúng, đủ hoặc đúng tần suất lại không được định nghĩa rõ ràng. Đại diện KCN Hiệp Phước cho biết thêm, với hệ thống xử lý nước thải luôn có hệ thống hỗ trợ xử lý sự cố. Hệ thống này chỉ hoạt động khi xảy ra các sự cố nước thải cuối nguồn xử lý chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu theo quy định về không đủ tần suất hoạt động thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phạt trên 100 triệu đồng. Tương tự, hệ thống xử lý nước thải gồm có công đoạn xử lý hóa lý và vi sinh. Trong trường hợp nước thải đầu vào không có kim loại, hóa chất độc hại thì không cần phải xử lý công đoạn hóa lý, chỉ cần vận hành xử lý vi sinh. Vậy theo quy định mới này, doanh nghiệp dễ dàng bị đoàn thanh tra quy kết lỗi vận hành không đúng quy trình.
Mức phạt quá cao
Không dừng lại đó, mức phạt quá cao, tăng từ vài chục lần đến vài trăm lần là quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ “chết đứng” vì hiểu kiểu nào cũng thấy doanh nghiệp vi phạm. Đại diện KCN Tân Tạo viện dẫn, quy định mức phạt 50 triệu - 100 triệu đồng đối với hành vi doanh nghiệp có bộ phận quản lý môi trường không đủ năng lực; phạt 150 triệu - 200 triệu đồng nếu doanh nghiệp không có biện pháp ngăn ngừa tác động xấu đến môi trường; phạt 150 triệu - 200 triệu đồng nếu công ty đầu tư hạ tầng không giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu hoặc không tư vấn cho ban quản lý giải quyết những mâu thuẫn về môi trường trong khu... Những hành vi được quy định rất chung chung và trừu tượng. Doanh nghiệp khó có thể định lượng được như thế nào là cán bộ đủ hoặc không đủ năng lực; những tác động nào được xếp loại sẽ tác động xấu đến môi trường. Còn về chức năng giám sát hoạt động bảo vệ môi trường trong khu thì chỉ có cơ quan chức năng là ban quản lý KCX-KCN mới có chức năng… Chưa kể, công ty hạ tầng sẽ bị phạt lên đến 400 triệu đồng đối với hành vi bố trí ngành nghề không đúng quy hoạch. Và với quy định này thì không một công ty hạ tầng nào không bị xử phạt vì hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu đều không được bố trí theo phân khu.
Doanh nghiệp lớn hoang mang, còn những doanh nghiệp nhỏ thì xin nộp đơn phá sản. Đại diện Công ty Việt Anh khẳng định, mức phạt như nghị định mới đưa ra không phải tăng gấp 4 lần mà là tăng đến hàng trăm lần. Lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ bù đắp chi phí đảm bảo các thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường. Còn nếu bị phạt thì chắc phải phá sản vì mức phạt không khác gì cố tình “triệt” doanh nghiệp.
Kết luận tại cuộc họp, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT TPHCM, bày tỏ sự đồng thuận với những ý kiến của các doanh nghiệp và cho rằng khó chấp nhận với những quy định mang tính chủ quan như vậy. Nếu dự thảo nghị định này không được sửa đổi, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
MINH XUÂN