Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Coi chừng lợi bất cập hại

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội. Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, nhà giáo, chuyên gia bày tỏ sự chưa đồng thuận với dự thảo này.
Thầy và trò Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong giờ lên lớp. Ảnh: MINH QUÂN
Thầy và trò Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM) trong giờ lên lớp. Ảnh: MINH QUÂN

Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM):

 Tạo ra chồng chéo giữa các văn bản pháp luật  

Giáo viên chỉ là một ngành nghề trong xã hội, trên thực tế họ cũng là công dân Việt Nam. Nếu có những hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc xâm phạm thân thể người khác, các thầy cô giáo đã phải chịu các chế tài xử phạt theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc đưa thêm các mức xử phạt hành chính cho 2 hành vi này theo tôi là không cần thiết, nếu không muốn nói là sẽ tạo ra chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Chưa kể, các mức xử phạt theo dự thảo nghị định lần này như phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; phạt 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học được xem là quá nặng tay so với bình quân thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng của các thầy cô giáo.  

Riêng đối với quy định xử phạt hoạt động tổ chức dạy thêm không đúng quy định, tôi cho rằng cần nghiên cứu lại. Cái gốc vấn đề là phải làm sao để các thầy cô giáo có thể sống được bằng lương. Khi đời sống người ta đã đảm bảo mà họ vẫn cố tình dạy thêm trái phép thì lúc đó hãy xử phạt. Ngược lại, khi dạy thêm học thêm đang là nhu cầu có thật của cả học sinh, phụ huynh lẫn các thầy cô giáo, việc đưa ra các mức xử phạt dễ khiến chúng tôi thấy chạnh lòng. Tôi xin khẳng định, hiện nay các trung tâm bồi dưỡng văn hóa mọc lên rất nhiều, cho thấy nhu cầu học thêm ngày càng cao của người dân. Song không phải thầy cô nào cũng được các trung tâm mời hợp tác giảng dạy. Vì vậy, thay vì cấm đoán, cơ quan quản lý nên có thêm nhiều hướng dẫn giúp các thầy cô có thể phát huy hết sức lao động, chuyên môn của mình trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh ngoài giờ lên lớp. 

Trường hợp dự thảo được thông qua, phụ huynh có quyền đòi hỏi sự công khai, minh bạch về quy trình xử lý của ngành giáo dục. Theo đó, cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt, tiền nộp phạt do ai quản lý, sẽ được sử dụng vào những việc gì. Bởi nếu không quản lý tốt, giảm được bất cập này sẽ nảy sinh tiêu cực khác, không thực hiện thành công mục tiêu ban đầu là trong sạch hóa môi trường giáo dục.

GS PHẠM PHỤ (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM):

Chưa giải quyết cái gốc vấn đề

Xử phạt giáo viên dạy thêm sẽ không hiệu quả nếu chưa giải quyết cái gốc vấn đề là bất cập về chương trình, sách giáo khoa. Một khi chương trình còn nặng tính hàn lâm, đề ra những mục tiêu xa vời như học sinh phải giỏi toàn diện, thuộc nằm lòng các kiến thức hàn lâm, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nắm vững kiến thức ở tất cả môn học như toán, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, sinh học… Đây là điều ngay cả giáo viên, thậm chí các nhà khoa học cũng khó làm được vì mỗi người sẽ có một thế mạnh, muốn đào sâu nghiên cứu lĩnh vực này sẽ không thể đồng thời giỏi ở các lĩnh vực khác. Chương trình phổ thông hiện nay quá nặng nề kéo theo áp lực học hành, thi cử cho cả người dạy lẫn người học. Từ thực tế đó, học thêm trở thành nhu cầu có thật. Tôi xin khẳng định không thể bỏ hoàn toàn dạy thêm, học thêm được với chương trình phổ thông hiện nay. Thay vào đó, chỉ cần cải tiến chương trình, giảm khối lượng kiến thức, giảm tính hàn lâm, sẽ giảm được nhu cầu học thêm của người học.  

Một vấn đề khác là đội ngũ giáo viên hiện nay có chất lượng không đồng đều, một bộ phận giáo viên trẻ yếu về kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Điều này đòi hỏi phải cải tiến chương trình đào tạo từ các trường sư phạm, làm sao để giáo sinh sau khi ra trường không chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt chuyên môn mà còn phải nắm vững kỹ năng, làm chủ phương pháp giảng dạy. 

Khi 2 cái gốc chương trình và đào tạo giáo viên chưa được giải quyết triệt để thì dự thảo nghị định xử phạt rất khó thực hiện. Việc xử phạt nếu có chỉ làm giảm số lượng trường hợp vi phạm, nhưng về lâu dài sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy.

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TPHCM:

Không nên đưa vào văn bản luật

Các nội dung khi đưa vào luật, nghị định phải mang tính phổ biến, có phạm vi ảnh hưởng hoặc tác động đến nhiều người. Song hiện nay khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta đang nhập nhèm giữa sự việc có tính hiện tượng và những vấn đề mang tính phổ quát. Đơn cử như việc giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền chỉ là một trong những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có và không phải giáo viên nào cũng hành xử như vậy. Vì vậy, tôi cho rằng không nên đưa những quy định này vào văn bản pháp luật mà nên có những hình thức nhắc nhở, giáo huấn riêng đối với từng sự việc. Chưa kể việc liệt kê những hành vi như xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể người học, hay gian lận trong tuyển sinh, thi cử, xuyên tạc nội dung giáo dục, ép buộc học sinh học thêm để thu tiền… vào quy định chung “Những hành vi nhà giáo không được làm” sẽ gây ảnh hưởng hình ảnh của các thầy cô giáo, khiến chúng tôi nhìn vào thấy đau lòng quá!

Thầy NGUYỄN XUÂN KHANG, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội):

Mọi hình phạt đều phải mang tính hướng thiện


Tôi cho rằng cần hết sức cân nhắc, thận trọng với dự thảo nghị định này. Bởi giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, nhất là quan hệ thầy trò hết sức nhạy cảm, nếu quy thành những mức xử phạt e là không có tác dụng giáo dục, mà mục đích của giáo dục là hướng con người tới những điều hay, lẽ phải. 

Là một người thầy, tôi không phản đối việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhưng với quan hệ thầy trò, tôi thấy dị ứng với những con số phạt. Nhất là liên quan đến học trò, nếu phạt các em bằng tiền nếu có vi phạm là không ổn. Ví dụ, nếu các em có hành vi không đúng với thầy cô giáo thì không nên phạt hành chính mà nên có những giải pháp giáo dục các em, hướng các em đến những điều tốt đẹp. Trường tôi từ trước đến nay chưa từng phạt tiền học sinh. Những hành vi như học sinh đâm thủng bụng thầy thì đã thuộc phạm trù hình sự rồi. Tất cả hình phạt đối với học sinh phải mang tính giáo dục, hướng thiện cho các em.

Tin cùng chuyên mục