Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017: Nhiều điều còn chưa rõ

Sáng nay 13-9, nhiều trường ĐH và trường THPT đã tổ chức buổi mạn đàm về dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 với sự chủ trì của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM.
Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017: Nhiều điều còn chưa rõ

 Sáng nay 13-9, nhiều trường ĐH và trường THPT đã tổ chức buổi mạn đàm về dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 với sự chủ trì của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM.

 Rất nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề: Bài thi tổ hợp tự nhiên (lý, hóa, sinh) và bài thi tổ hợp xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) liệu có đánh giá đủ - đúng năng lực của học sinh để các trường làm căn cứ xét tuyển? Làm sao học sinh có thể làm quen kiểu ra đề tích hợp, khi ngân hàng đề thi chưa được phân tích rõ là lấy từ đâu hay chỉ dựa vào ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội? Các trường đều thống nhất Bộ GD-ĐT phải có phương án chính thức càng sớm càng tốt để các trường chuẩn bị.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng:  Cá nhân tôi không quá lo lắng về dự thảo thi THPT quốc gia 2017  bộ đưa ra. Bài thi có chút thay đổi, nội dung đề thi chắc chắn phải nằm trong chương trình TPHT. Trong đó, bài thi môn khoa học tự nhiên và bài thi môn khoa học xã hội tôi lo lắng vì học sinh có quá ít thời gian để làm quen với cách học. Hơn nữa bài thi tổ hợp sẽ chấm điểm như thế nào, chấm chung hay riêng lẻ từng môn cũng chưa được làm rõ. Cách thi này sẽ kéo theo các trường ĐH xét tuyển phải thay đổi tổ hợp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại quy định các trường thay đổi tổ hợp xét tuyển mới phải công bố ít nhất là 3 năm như vậy liệu có hợp lý?

TS Lê Thị Thanh Mai cho biêt thêm: Bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có 60 câu là quá ít và khó có thể đánh giá hết kiến thức, năng lực của học sinh. Nếu Bộ GD-ĐT chứng minh được bài thi tổ hợp có đầy đủ cơ sở để đánh giá năng lực của học sinh thì các trường ĐH tổ chức thêm một bài thi đánh giá năng lực nữa thì không nên. Nên chăng các trường cùng nhóm ngành, khối ngành nên ngồi lại để thống nhất dùng chung một bài kiểm tra  năng lực để dùng thì hợp lý hơn, bởi lẽ chỉ có các trường mới biết mình cần gì ở thí sinh.

Theo quan điểm cá nhân, Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM chia sẻ: Bài thi tổng hợp năm 2017 nếu các trường xét tuyển từng môn trong bài thi này sẽ rất khó. Nếu thí sinh định hướng xét trường y dược không thi môn sinh thì rất khó để đánh giá. Kết quả của thí sinh đặt ra không có cùng căn cứ để xét tuyển. Do đó, bộ nên cân nhắc kỹ hơn để đánh giá thí sinh trong từng môn thi trong bài thi. Riêng bài thi khoa học xã hội, đa phần thí sinh sẽ chỉ tập trung cho tổ hợp sử, địa mà ít quan tâm tới giáo dục công dân nên việc đánh giá bài thi có thể bị vênh.

Các trường tham gia buổi mạn đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017

Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) tỏ ra lo lắng: “Mục đích cuối cùng của trường là để học sinh học tốt và thi đậu. 13 năm liền trường 100% đỗ tốt nghiệp và năm ngoái 100% học sinh đỗ ĐH. Chúng tôi vẫn đang trong tâm thế chờ đợi, khi bộ có phương án chính thức thì mới họp bàn thay đổi cách dạy học để đạt được kết quả tốt nhất. Trường chúng tôi hiện vẫn dạy theo chương trình chuẩn, tiếp cận theo các khối thi truyền thống gồm A, A1, B, D1. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế tâm lý sẵn sàng cho khối D1, nhưng với thí sinh khối A phải học thêm môn sinh, khối B thêm môn lý. Khó khăn ở khối D và A1, khi nào nhà trường có sự điều chỉnh số tiết để đủ thời lượng nâng cao làm quen với chương trình. Nếu khối D học toán – văn – tiếng Anh thì nhẹ nhàng, năm nay phải chọn thêm môn thi nữa có thể thêm lý, hóa, sinh. Khối A1 học sinh theo học rất nhiều, năm nay sẽ bất lợi vì phải học thêm môn hóa và sinh. Chúng tôi đã có khảo sát sau khi bộ có dự thảo, kết quá trong 614 học sinh lớp 12 có 543 học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên, 41 học sinh chọn bài thi khoa học xã hội”.

Điều ông Khương mong nhất là bộ sớm công bố phương án thi chính thức càng sớm càng tốt để thay đổi chương trình phù hợp. Thêm nữa, các trường ĐH công bố sớm phương án xét tuyển, trong đó xét tuyển bao nhiêu % khối thi truyền thống, xét điểm cấu phần hay nguyên điểm bài thi với 2 bài tổ hợp. Nếu các trường có phương án không tạo nhiều thay đổi về tổ hợp môn thì thì thí sinh sẽ không cần quá lo lắng. Nếu chỉ xét cấu phần, học sinh chỉ tập trung 2 môn thì cần có sự điều chỉnh để công bằng với thí sinh. Tôi mong muốn kỳ thi được tổ chức nghiêm túc và chặt chẽ để công bằng, trường ĐH cũng tuyển đúng được đối tượng của mình. Nếu không công bằng thì nơi tổ chức nghiêm túc điểm thấp còn không nghiêm túc điểm sẽ cao.

Dưới góc nhìn là người dạy phổ thông và dạy ở trường ĐH, Th.S Phạm Thái Sơn chia sẻ: “Tôi rất trăn trở về bài thi tổng hợp, nếu xem là kết quả bài thi sẽ hay hơn tách ra kết quả từng phần các môn thi. Nếu tính theo cách này thì vẫn nên giữ nguyên 3 môn như cũ, để tránh tình trạng thí sinh tập trung môn này mà bỏ môn kia. Với cấu trúc đề thi này thì khung năng lực sẽ như thế nào, nếu dùng năng lực không cũng rất khó hiểu vì không biết năng lực gì”.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: Bài thi tổ hợp thí sinh có cần làm hết không, thí sinh chỉ làm 2 phần lý và hóa mà bỏ sinh thì có bị điểm liệt không, nếu có liệt thì liệt bài thi hay môn thi nhưng thông tin này chưa rõ ràng. Về phương án tuyển sinh, TS Nghĩa cũng cho rằng chưa rõ ràng. Năm ngoái các trường tổ chức kỳ thi riêng (như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Luật TPHCM) nhưng cũng lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nên có thể nói 100% các trường ĐH sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Hiện tại cũng không có trường nào chỉ dựa hoàn toàn vào kết quả thi THPT, thay vào đó kết hợp nhiều tiêu chí trong đó có sử dụng hình thức này. Do đó, vấn đề của các trường ĐH hiện nay cần trả lời được 3 câu hỏi: Có tổ chức thi đánh giá năng lực thêm không khi giao kỳ thi này cho các sở GD-ĐT tổ chức? Nếu có tổ chức thì thi gì, nội dung đề thi giống với kỳ thi THPT quốc gia hay nội dung khác? Nếu dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thì tổ chức riêng từng trường hay ủy quyền cho một trường đứng ra tổ chức ở nhiều cụm để lấy kết quả xét tuyển.

TS Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Mục tiêu kỳ thi là công bằng, nên sớm công khai quy chế thi và xét tuyển vì lòng dân đang rất xao động. Tôi hoàn toàn ủng hộ trắc nghiệm khách quan trừ môn văn, độ lệch về nhận xét người chấm thi với bài thi trắc nghiệm không có như ở môn tự luận mà đạt được mục tiêu nhanh, chính xác, công bằng và đỡ tốn kém. Đây là năm đầu tiên học sinh tiếp cận với hình thức này thì có nhiều ý kiến, ảnh hưởng đồng loạt tới tất cả học sinh nên tôi ủng hộ phương án này. Nếu phải tổ chức một kỳ thi đánh giá, tôi mong muốn bộ phận khảo thí ĐH Quốc gia TPHCM có ngân hàng đề chung theo từng lĩnh vực để tạo sự khách quan và giảm thiểu rủi ro cho các trường. Làm đề thi không sợ tốn nhưng rủi ro rất đáng ngại, bất trắc xảy ra với đề thi. Nếu kỳ thi của ĐH Quốc gia TPHCM diễn ra thì trường tôi sẵn sàng tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi.

Th.S Cổ Tấn Anh Vũ Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM chia sẻ: Về nội dung kiểm tra đánh giá năng lực cần có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, điều này cần thiết khi mà sinh viên ĐH nhiều em khả năng này rất hạn chế. Bên cạnh đó nên kiểm tra thêm kỹ năng tư duy logic. Không nên từng trường tổ chức một kỳ thi riêng, nếu cần thiết nên tổ chức theo các nhóm trường.

Th.S Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Cần có kỳ thi chung để tạo được sơ sở dữ liệu tốt trong xét tuyển thí sinh vào trường. Việc chuyển đổi nhiều môn sang phương án thi trắc nghiệm thì phù hợp với thế giới và đảm bảo hơn sự khách quan khi giao về cho các sở. Tuy nhiên, những năm trước sự thay đổi chỉ diễn ra với hình thức thi còn năm nay thay đổi tới cách đánh giá năng lực thí sinh, điều này sẽ tạo nhiều khó khăn cho thí sinh. Về Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu bộ thực hiện đúng phương án thi này thì trường sẽ chọn kết quả kỳ thi này để làm dữ liệu xét tuyển cho trường. Riêng với sinh viên ngành sư phạm trường có thể tổ chức khảo sát thêm với thí sinh, tuy nhiên phải công bố trước 2 năm để thí sinh chuẩn bị.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục