Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Vẫn còn những nỗi lo

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa trình Chính phủ mới đây có thêm nhiều quy định mới. 
Trong đó, đáng chú ý là 2 đề xuất tăng lương cho giáo viên và miễn học phí bậc trung học cơ sở (THCS). Mặc dù nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng đằng sau đó vẫn là nỗi lo…
Sự quan tâm phải bằng hành động thực tế
Ngay sau khi có thông tin về đề xuất tăng lương cho giáo viên, TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, bày tỏ sự vui mừng vì trước đó không lâu, tại buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM với 300 nhà giáo tiêu biểu của TP, chính ông đã đề xuất ý kiến làm sao để giáo viên có thể sống được bằng lương.
“Giáo dục hiện nay phát triển chưa bền vững vì đời sống giáo viên còn quá bấp bênh, phải phụ thuộc nhiều nguồn thu không phải lương khiến họ luôn tất bật, đứng trên bục giảng mà đầu óc lo nghĩ chuyện khác, dẫn đến việc không hoàn thành hết trách nhiệm như chính họ tha thiết mong muốn thực hiện”, TS Huỳnh Công Minh phân tích.
Tăng lương không chỉ giúp giáo viên có thêm động lực, tâm huyết, gắn bó với nghề mà còn thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm. 
Tuy nhiên, theo GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cái khó hiện nay là lực lượng giáo viên đông quá, nếu tăng lương cho giáo viên đồng nghĩa “miếng bánh” ngân sách chi cho giáo dục sẽ tăng lên rất lớn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo và 154.000 cán bộ quản lý. Để trả lương cho đội ngũ này, ngành giáo dục đã và đang tiêu tốn 70% quỹ lương khối sự nghiệp.
“Nếu thực hiện tăng lương đồng loạt cho giáo viên, tôi không thể nghĩ ra sẽ lấy nguồn kinh phí ở đâu. Ai cũng biết tăng lương là cần thiết nhưng nếu chưa có sự chuẩn bị chu đáo, nói mà không thể làm sẽ tạo cảm giác hụt hẫng hơn cho giáo viên”, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.  
Cô N.T.M, giáo viên một trường mầm non công lập ở quận Gò Vấp, chia sẻ: “Giáo viên ở những bậc học khác có thu nhập thêm từ các khoản chăm sóc học sinh bán trú, tiền dạy tăng tiết, học phí học 2 buổi/ngày, nhưng giáo viên mầm non chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất là lương. Đề xuất tăng lương cho chúng tôi đã được xới đi xới lại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chỉ là hy vọng”. 
Đồng quan điểm, nhiều giáo viên ở các bậc học khác cho biết rất vui mừng trước đề xuất được tăng lương. Song, điều mà những người thầy giáo chờ đợi là sự quan tâm, thấu hiểu được thể hiện thực tế bằng hành động chứ không phải những lời hứa. “Chúng tôi theo nghề không phải vì trông chờ vào thu nhập. Nhưng khi chuyện lương bổng được đem ra đào xới, cân đong đo đếm quá nhiều lần khiến tôi cảm thấy chạnh lòng, e dè với cả sự thương cảm của phụ huynh”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 tâm tư. 
Trước lo ngại về việc tăng lương sẽ co kéo nguồn ngân sách, vị này đề xuất nếu ngân sách chưa đủ để tăng lương đồng loạt thì có thể thực hiện theo lộ trình, ưu tiên tăng lương trước cho giáo viên vùng khó khăn hoặc tăng bậc học này trước, bậc kia sau. 
Miễn học phí THCS có tăng gánh nặng cho các trường?
Về đề xuất miễn học phí THCS, hiệu phó của một trường THCS ở huyện Củ Chi thẳng thắn bày tỏ, đối với trường ở khu vực nội thành, việc thu học phí không phải vấn đề lớn. Nhưng với riêng các trường ở ngoại thành, nhiều gia đình học sinh còn khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa nên trường không thu được học phí.
“Nhiều trường hợp học sinh đã ra trường vẫn còn nợ học phí. Năm nào trường cũng phải bù lỗ 5 - 6 trường hợp học sinh không đóng học phí. Vì vậy, nếu được ngân sách chi trả phần tiền này sẽ thuận lợi cho chúng tôi nhiều lắm”, vị này chia sẻ. 
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Vẫn còn những nỗi lo ảnh 1 Cô và trò Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) trong một giờ lên lớp
Tuy nhiên, theo TS Huỳnh Công Minh, trước đây khi áp dụng không thu học phí đối với bậc tiểu học phải mất thời gian dài mới thực hiện được. Vì vậy, với đề xuất lần này, có ý kiến hoài nghi về hiệu quả thực hiện là không thể tránh khỏi.
TS Huỳnh Công Minh phân tích: “Nếu mức đầu tư không đủ chu cấp hoạt động của các trường thì trường học vẫn phải thu thêm tiền dưới dạng này hay dạng khác. Theo tôi, vấn đề không chỉ là miễn hay không miễn học phí của một bậc học, mà Bộ GD-ĐT nên tính toán kỹ lưỡng bậc học đó cần bao nhiêu chi phí để đảm bảo mọi hoạt động, tránh tình trạng chủ trương tốt nhưng tiến hành không trọn vẹn, gây mất niềm tin trong nhân dân”.
Ngoài ra, bên cạnh 2 đề xuất trên, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu thêm một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các trường tiến đến tự chủ để giảm gánh nặng chi cho ngân sách. Chỉ khi thực hiện được đồng loạt tất cả giải pháp đó, giáo dục mới mang diện mạo mới, phát triển bền vững hơn.
Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp, cả nước hiện có 12 bậc lương. Ở mức cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 bao gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên cao cấp… có hệ số lương từ 6.2 đến 8.0. Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính thì sẽ tương đương với mức lương của lao động ở các ngành nghề đặc thù này. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, giáo viên mầm non và tiểu học có hệ số lương khởi điểm là 1,86; được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi 35% nên tổng lương khởi điểm chỉ ở mức khiêm tốn 3.264.300 đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục