Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung về quản lý giá thuốc: Tiến hay lùi?

Trong những ngày qua, nhiều người dân bức xúc trước tình trạng giá thuốc chữa bệnh tăng cao. Thế nhưng, những biện pháp quản lý hành chính của Thông tư liên tịch số 11/2007 vẫn không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nay, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung thông tư trên. Dự thảo thông tư mới cũng đã được đưa ra xem xét…
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung về quản lý giá thuốc: Tiến hay lùi?

Trong những ngày qua, nhiều người dân bức xúc trước tình trạng giá thuốc chữa bệnh tăng cao. Thế nhưng, những biện pháp quản lý hành chính của Thông tư liên tịch số 11/2007 vẫn không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nay, các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung thông tư trên. Dự thảo thông tư mới cũng đã được đưa ra xem xét…

Thuốc do BHYT chi trả sẽ được quy định thặng số bán buôn toàn chặng ? Ảnh: Tg. LÂM

Thuốc do BHYT chi trả sẽ được quy định thặng số bán buôn toàn chặng ? Ảnh: Tg. LÂM

  • Ủy thác nhập khẩu phải kê khai giá thuốc
Theo dự thảo thông tư mới, phạm vi điều chỉnh có sự mở rộng hơn, đó là hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc thành phẩm dùng cho người (gọi chung là thuốc), bao gồm: kê khai, kê khai lại giá thuốc, niêm yết giá thuốc, quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, Quỹ BHYT chi trả và nguồn thu viện phí; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, cơ sở trong việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc tại Việt Nam.
Như vậy, thuốc được quy định tại dự thảo thông tư mới là cụ thể hơn, tức thuốc thành phẩm, còn quy định trước đó chỉ là thuốc nói chung. Hơn nữa, dự thảo đề cập đến việc quản lý thuốc rộng hơn chứ không nhất thiết như thông tư cũ quy định là chỉ những loại thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Điều đáng nói, lâu nay các công ty ủy thác nhập khẩu thuốc nằm “ngoài luồng” quản lý về giá thuốc thì dự thảo thông tư mới bắt buộc đối tượng này cũng phải chịu chung trách nhiệm về kê khai giá thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, hiện hầu hết các công ty dược của nhà nước đều có doanh thu nhập khẩu ủy thác rất cao. Chẳng hạn như Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu ủy thác tới 678 tỷ đồng tiền thuốc và sinh phẩm trong năm 2009. Tuy nhiên, việc kê khai, kê khai lại giá đối với những mặt hàng thuốc đã nhập khẩu ủy thác đó phụ thuộc vào công ty ký hợp đồng nhờ nhập khẩu ủy thác. Chính vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi quy định thêm các công ty ủy thác nhập khẩu liên đới trách nhiệm trong việc quản lý giá thuốc.
Không những vậy, dự thảo thông tư mới cũng yêu cầu tất cả các đơn vị có sử dụng tiền ngân sách nhà nước và Qỹ BHYT để mua thuốc cũng phải chịu quản lý về giá thuốc, chứ không riêng gì các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chung chung.
Theo Luật Dược năm 2005 và Nghị định 79/2006/NĐ-CP năm 2006 quy định chi tiết thi hành Luật Dược, Nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong quản lý giá thuốc. Bởi lẽ, thuốc được liệt vào danh sách mặt hàng thiết yếu đặc biệt. Theo đó, Nhà nước quản lý giá thuốc theo nguyên tắc: các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Xem ra, dự thảo thông tư mới không có gì thay đổi với quy định của thông tư cũ. “Bàn tay” của Nhà nước cũng chỉ dừng lại chung chung là kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan tâm là “bàn tay” đó phải đủ mạnh để can thiệp bình ổn giá thuốc trên thị trường để đáp ứng nhu cầu về thuốc phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Song, những biện pháp bình ổn ra sao chưa được dự thảo thông tư mới nói rõ.
  • Hết thời... loạn giá cắt cổ?
Như quy định của Thông tư 11, các cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về kê khai, kê khai lại, niêm yết giá thuốc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại, niêm yết và giá bán thuốc.
Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới bổ sung quy định về thặng số bán buôn toàn chặng đối với thuốc cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT chi trả. Nghĩa là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Quỹ BHYT và nguồn thu viện phí khi đấu thầu mua thuốc phải thực hiện quy định về thặng số bán buôn toàn chặng. Tức là tỷ lệ phần trăm được lãi phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước trong suốt quá trình cung ứng thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT chi trả.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định sẽ hạn chế tình trạng “loạn” giá như hiện nay và không còn cơ hội cho các doanh nghiệp dược tự ý đẩy giá để có mức lãi bất hợp lý. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia dược học lo ngại là dự thảo thông tư mới đã đi ngược lại với quy định tại Luật Dược ở chỗ khi không yêu cầu các công ty nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký phải cung cấp thông tin giá CIF (giá nhập khẩu đã bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất khẩu, chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam) tại các nước thuộc phạm vi tham khảo giá có điều kiện y tế - thương mại tương tự Việt Nam.
Chính vì vậy, theo một chuyên gia dược học, giá CIF đáng lẽ chỉ đáng 3 đồng nhưng doanh nghiệp kê khai lên 10 đồng, cơ quan quản lý lấy cơ sở nào mà đối chiếu? Do đó, đây là kẽ hở để các doanh nghiệp dược tự làm giá với nhau ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam mà không bắt bẻ được.
Một trong những điểm mới nữa của dự thảo thông tư là khi thực hiện kê khai, kê khai lại và niêm yết giá thuốc theo đồng tiền Việt Nam có kèm theo thông tin về tỷ giá quy đổi từ đồng ngoại tệ sử dụng sang đồng Việt Nam tại thời điểm kê khai giá. Theo các nhà chuyên môn, lâu nay, không ít hãng dược lấy cớ biến động tỷ giá ngoại tệ để nâng giá thuốc bất hợp lý, nên cần quy định rõ ràng như vậy để dễ quản lý hơn chứ không thể rà soát hết tỷ giá ngoại tệ được.
Điểm mới nữa là thông tư cũ chưa có quy định kê khai giá thuốc đối với các doanh nghiệp sản xuất gia công, phân phối độc quyền đối với thuốc sản xuất trong nước, dự thảo thông tư mới lại có quy định này. Theo đó, trước khi thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam, quy trình kê khai giá thuốc của 2 trường hợp trên phải tuân thủ như những đối tượng khác. Trong đó, đáng nói là các nhà phân phối thuốc độc quyền lâu nay “làm mưa làm gió” bằng cách kê khai giá thuốc vô tội vạ, dự thảo thông tư mới siết lại bằng cách cho vào khuôn khổ.
“Một viên thuốc trị viêm gan phân phối độc quyền muốn bán bao nhiêu thì bán, nhưng nay sẽ buộc chỉ bán ở mức giá thích hợp và phải kê khai đầy đủ. Nếu giá bán không hợp lý như kê khai, sẽ không cho phép lưu hành”, một cán bộ Cục Quản lý dược nói.
Tuy rằng, dự thảo thông tư liên tịch mới về quản lý giá thuốc chưa có nhiều bổ sung, thay đổi nhưng theo các chuyên gia y tế là một cố gắng lớn của các nhà quản lý. Song, để thực sự thông tư mới có “tiến” hay “lùi”, khi áp dụng vào thực tiễn mới biết được. Nguyên do là quy định một đằng nhưng thực tế vận hành có khi ra… một nẻo!
TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục