Nằm trong dự án Bảo tồn âm nhạc dân tộc của Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, chương trình Âm vang bài vọng cổ vừa được tổ chức tại trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm đã cho thấy sức sống của âm nhạc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ.
Một tiết mục đưa chương trình âm nhạc dân tộc đến với sinh viên.
Tuy quen mà lạ
Đến với chương trình, các bạn sinh viên đã được thưởng thức những giai điệu mượt mà của Điệu buồn phương Nam, Miền Tây quê tôi, Liên khúc Vọng Kim Lan - Về quê hương, Hãy yên lòng mẹ ơi… qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ À ơi thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM. Điểm đặc biệt nhất thu hút sự chú ý của đông đảo sinh viên là phần giao lưu với nhạc sĩ Kiều Tấn - nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM. Dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Kiều Tấn, mọi thắc mắc của các bạn sinh viên về xuất xứ hình thành, quá trình phát triển bài vọng cổ từ nhịp 2, 4, 8, 16, 32, 64 đến bài tân cổ giao duyên đều được giải đáp và minh họa bằng các tiết mục với phần đệm đàn của các nghệ sĩ khiếm thị: Kim Phóng, Thời Đức, Hữu Chơn và nghệ sĩ Hữu Phước.
Nguyễn Giao Linh (sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một chương trình âm nhạc dân tộc, được tiếp cận và hiểu về xuất xứ và quá trình phát triển của bài vọng cổ. Đối với sinh viên chuyên về kinh tế, kỹ thuật, một chương trình âm nhạc dân tộc như thế này hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn”.
Trước khi tổ chức chương trình, không ít người đã lo ngại về cảnh thưa vắng người xem. Vậy mà, hội trường của trường đã chật ních người xem, đem lại nhiều bất ngờ cho chính ban tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay chỉ thích nghe và hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài mà dần quên đi hoặc không còn mặn mà với âm nhạc dân tộc. Điều này phần nào xuất phát từ nguyên nhân một bộ phận lớn thanh thiếu niên không có điều kiện để tìm hiểu những giá trị của âm nhạc truyền thống.
Dự án bảo tồn âm nhạc dân tộc
Âm vang bài vọng cổ là chương trình nằm trong chuỗi dự án mà Nhà Văn hóa Sinh viên đã triển khai từ năm 2012 nhằm thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nội dung chính của dự án gồm các hoạt động: tổ chức giao lưu các làn điệu âm nhạc dân tộc, giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân, sinh viên; dạy hát các làn điệu dân ca; tập hợp các CLB âm nhạc dân tộc, tuyên truyền các làn điệu âm nhạc dân tộc. Từ năm 2012 đến nay, Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM đã thành lập một số CLB âm nhạc dân tộc như CLB Duyên Kinh Bắc, CLB Hát then - Đàn tính và CLB À ơi, CLB Tiếng tơ lòng…
Hàng năm, Nhà Văn hóa Sinh viên tổ chức 4 chương trình theo chủ đề của từng quý. Trong năm tới, nhà văn hóa tiếp tục duy trì và phát triển dự án bảo tồn âm nhạc dân tộc, từ đó góp phần vận động, khuyến khích các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, ký túc xá sinh viên thành lập, duy trì và phát triển CLB âm nhạc dân tộc dành cho các bạn yêu thích các thể loại âm nhạc dân tộc ngay tại đơn vị. Trên cơ sở tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có dịp tiếp xúc, giao lưu với các thể loại âm nhạc dân tộc, thông qua đó kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ cùng gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của cha ông. Tạo một sân chơi thường xuyên cho các CLB, đội nhóm và cá nhân yêu thích âm nhạc dân tộc.
GS-TS Trần Văn Khê từng cho rằng: “Âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu hẳn một phần sức sống”. Việc đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, giáo dục cho các bạn trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để họ hiểu cái hay, giá trị của âm nhạc dân tộc, từ đó mới yêu thích, tìm hiểu, học và tham gia biểu diễn. Việc bảo tồn âm nhạc dân tộc không chỉ dừng ở việc thu thập tư liệu, lưu trữ… mà rất cần những chương trình hành động cụ thể, một lộ trình thích hợp, có môi trường diễn xướng, có khán giả. Khi âm nhạc dân tộc có một thế hệ kế thừa, sức sống của nó sẽ được hồi sinh và bền vững.
Dự kiến, sau Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, chương trình Bảo tồn âm nhạc dân tộc tiếp tục được tổ chức tại Công viên Tầm Vu (Công viên Thanh Đa - quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh) vào tối ngày 31-10.
NGỌC UYỂN