Đưa “bệnh đi Tây”, chưa chắc đã hay

Đưa “bệnh đi Tây”, chưa chắc đã hay

Theo đánh giá của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Ngoài các điểm đến quen thuộc như Singapore, Thái Lan, gần đây có không ít người sẵn sàng chi tiền tỷ để sang Mỹ, Pháp hay Hàn Quốc chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người sau khi đưa bệnh đi Tây vẫn mang... tật về ta.

  • Tin “ngoại” hơn “nội”

Ra nước ngoài du lịch và chữa bệnh đang thành trào lưu của nhiều người có điều kiện. Thậm chí, không ít người, mức sống chỉ tạm đủ, nhưng e ngại chất lượng dịch vụ y tế trong nước, vẫn cố chạy tiền ra nước ngoài chữa bệnh. Gia đình anh chị Liêm - Hương làm công chức bình thường ở CT 2 khu chung cư Mễ Trì (Hà Nội) có được mụn con trai vừa lên 6 tuổi bị tim bẩm sinh. Khi được bạn bè giới thiệu một bệnh viện tư ở Singapore chuyên trị bệnh trẻ em, cả hai vợ chồng cố vay mượn họ hàng được gần 30.000 USD để đưa con sang chữa bệnh, cho dù trước đó, nhiều bệnh viện trong nước đủ sức điều trị.

Anh Trần Long (Trung Hòa, Hà Nội), một nạn nhân của “bệnh viện ngoại”, cho biết anh bị thủng ruột già sau khi mất gần 400 triệu đồng đốt khối u ở gan bằng sóng cao tần tại một bệnh viện Trung Quốc. Và ngay sau khi ra viện, về nước, anh phải nhập viện khẩn cấp phẫu thuật cắt đại tràng, làm hậu môn nhân tạo vì sức khỏe suy giảm nhanh chóng do thủng ruột.

Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã đưa trang thiết bị hiện đại vào điều trị bệnh nhân ung thư.

Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã đưa trang thiết bị hiện đại vào điều trị bệnh nhân ung thư.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết có những thời điểm bệnh viện phải điều trị cả chục trường hợp bị tai biến sau khi ghép gan, ghép thận ở nước ngoài về. Có trường hợp mất cả tỷ đồng ra nước ngoài ghép gan, nhưng về nước chỉ sống chưa đầy một tháng. Theo ông, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém chi phí mà vẫn phải chịu thêm rủi ro vì phần lớn những “bệnh viện ngoại” mà người bệnh Việt Nam được giới thiệu tới chỉ là những cơ sở y tế bình thường, hạng 2, hạng 3.

Thực tế, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 53 ca ghép thận, 4 ca ghép gan, 1 ca ghép tim và 2 ca ghép van tim và đến giờ, các bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường. Về chi phí, việc điều trị ghép ở trong nước thường chỉ bằng 1/20 - 1/30 so với chữa trị ở nước ngoài (!).

  • Không hề thua kém

Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người cứ nghĩ khi mang bệnh ung thư là phải mang tiền tỷ ra nước ngoài mới mong thoát chết. Thế nhưng, thực tế với hệ thống máy PET/CT hiện đại nhất thế giới hiện nay tại bệnh viện, nhiều loại ung thư đầu mặt cổ, phổi, thực quản, trực tràng… đã được trung tâm điều trị an toàn, hiệu quả và đặc biệt là chi phí chỉ vài chục triệu đồng. GS Phạm Duy Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện K, khẳng định, hiện nay kỹ thuật chữa ung thư vú tại Việt Nam không kém các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ thành công trong việc ứng dụng các kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại vào việc khám chữa bệnh cho người lớn mà trong lĩnh vực nhi khoa, Việt Nam đã đạt nhiều thành công ngang tầm thế giới. GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết sau khi thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc bằng tủy xương để điều trị bệnh Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (bệnh “lột da ếch”) cho bệnh nhi Nguyễn Việt Anh (4 tuổi) vào tháng 9-2011, bệnh viện trở thành trung tâm y tế thứ hai trên thế giới điều trị thành công căn bệnh quái ác này.

Hiện ở nhiều nước, việc ghép tế bào gốc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh “lột da ếch” còn đang nghiên cứu với chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Không chỉ vậy, các kỹ thuật về can thiệp tim mạch chuyên sâu như: phẫu thuật hẹp van hai lá, hẹp eo động mạch chủ, teo động mạch, đảo gốc động mạch… đã được triển khai thành công trên nhiều bệnh nhi, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhi bị dị tật. Đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội nhi khoa rất khó, cũng đã được chúng ta làm chủ và đạt được nhiều thành tựu đáng kể về mổ nội soi cho trẻ em so với khu vực và thế giới. Không ít bệnh nhi ở nước ta mắc những căn bệnh hiểm nghèo ít gặp trên thế giới, như viêm mủ màng tim, u nang ống mật chủ, cường insulin... đã được cứu sống bằng ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi.

Những tiến bộ và thành công không ngừng của y học Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực chuyên sâu, kỹ thuật cao đã cho thấy tay nghề của thầy thuốc nội không kém bác sĩ ngoại về trình độ. Vấn đề là để tạo thêm niềm tin ở người bệnh, cần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là cơ sở vật chất tại bệnh viện; chuyên nghiệp hóa thái độ ứng xử của y bác sĩ đối với bệnh nhân. Có vậy, chúng ta mới giữ được người bệnh và không bị chảy máu ngoại tệ vì “đưa bệnh đi Tây”. 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục