Trong hai tháng gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương liên tục phát hiện những đàn heo chuẩn bị giết mổ bị tiêm thuốc an thần, bơm nước, chất tạo nạc vượt mức hàng trăm lần; thịt heo nhiễm vi sinh… Điều đó cho thấy tình trạng thịt heo “bẩn” đang ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kiểm tra các hộ mổ gia súc không có giấy phép, không đảm bảo vệ sinh
Cuối tháng 3-2016, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y, chăn nuôi và thủy sản tỉnh Bình Dương kết hợp Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an tỉnh Bình Dương) kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm hai trại nuôi heo với tổng đàn gần 400 con (trong đó có hơn 200 con chuẩn bị xuất chuồng) của ông Lê Long Hồ và ông Lương Văn Dũng (cùng ngụ phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), phát hiện đều dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist - loại thuốc tạo nạc vượt vài trăm lần mức cho phép. Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất, mỗi hộ 20 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thị xã Thuận An phối hợp với Trạm Thú y thị xã kiểm tra hành chính các hộ kinh doanh tại chợ Đông Đô, thuộc phường An Phú, phát hiện các hộ Đỗ Như Chiến, Đỗ Xuân Hùng và Lê Văn Tiến (cùng quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường An Phú) đang trữ bán gần 1 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc, đã ngả màu, chảy nước và bốc mùi hôi. Các hộ kinh doanh này không xuất trình được giấy chứng nhận kinh doanh cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch số thịt heo trên.
Trước đó, cũng tại chợ Đông Đô, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tiêu hủy gần 5 tấn thịt heo bệnh, nổi nhiều hạch, sắp được phân phối cho các tiểu thương để bán lẻ. Ông Nguyễn Văn Cao khai nhận, đã thu gom số thịt heo trên từ các lò giết mổ ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) rồi đưa về tiêu thụ tại các chợ gần khu công nghiệp, bán cho công nhân ở các khu nhà trọ. Điều đáng nói, trước đó không lâu, cá nhân ông Cao cũng bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi gom thịt bẩn để bán tại các chợ với giá rẻ.
Được biết, các trại heo dùng chất cấm vượt mức cao nhất từ trước đến nay, hay kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Vì vậy, nhiều hộ gia đình vì lợi nhuận đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Những trường hợp vi phạm đa số thuộc các hộ chăn nuôi thuê đất tạm bợ, nhỏ lẻ, thường sử dụng thức ăn dư thừa ở các bếp ăn tập thể, quán ăn và có sự tiếp tay của thương lái vì muốn có lợi nhuận cao.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương, cho biết: “Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thịt heo trên thị trường được nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện những trường hợp vi phạm chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa có trường hợp đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh cơ sở dùng chất cấm nên chưa đủ sức răn đe...”.
ĐỨC THANH - VĂN VŨ