Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ngãi năm 2010 từ vị trí 55 (trung bình) lên 18 (tốt) vào năm 2011 được công bố mới đây nhất cho thấy tỉnh này đang nỗ lực cải thiện, nâng cao vị trí của mình đối với các doanh nghiệp nhằm đưa Khu kinh tế (KKT) Dung Quất trở lại đường găng về thu hút đầu tư sau hai năm qua chững lại.
Những tín hiệu sáng
Cuối tháng 2 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp hùng hậu thuộc Khu công nghiệp Hàn Quốc, Chi nhánh Ulsan (KICOX) đã “xông đất” Dung Quất. Sau khi đến tận nơi khảo sát, nắm bắt về những chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ngãi, đoàn không ngần ngại cụ thể hóa cuộc thăm viếng bằng bản ký kết ghi nhớ về hợp tác đầu tư cùng phát triển. 17 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lọc dầu-hóa dầu-hóa chất; đóng sửa chữa tàu thủy công suất lớn; chế tạo thiết bị công nghiệp nặng và công nghiệp cơ khí phụ trợ cho công nghiệp nặng, cơ khí lắp ráp ô tô… đã đồng loạt đặt bút ký vào bản hợp tác.
Ông Han Ji Soo, Giám đốc KICOX, khẳng định sẽ cung cấp rộng rãi các thông tin về KKT Dung Quất đến với các doanh nghiệp Vùng Ulsan và các doanh nghiệp Hàn Quốc, để các doanh nghiệp Hàn Quốc đến khảo sát và thực hiện đầu tư tại Dung Quất trong thời gian đến. Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất, cho biết: Đây là cơ hội tạo điều kiện trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang Ulsan làm việc, giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa, máy móc thiết bị… giữa các doanh nghiệp trong hai KKT, thúc đẩy các nhà đầu tư vào KKT Dung Quất.
Cũng trong tháng 2, Quảng Ngãi ghi thêm điểm cho mình bằng việc kéo thành công Dự án Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Việt Nam - Singapore (VSIP) miền Trung về với mình. Đây là dự án thứ 5 của VSIP đầu tư tại Việt Nam và là khu công nghiệp đầu tiên tại khu vực miền Trung, được xây dựng trên địa bàn hai xã Tịnh Thọ và Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh với tổng diện tích trên 1.226 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể KKT Dung Quất.
Để tỏ thiện chí đầu tư, VSIP cho biết dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1A được khởi công trong quý 3-2012, việc kêu gọi đầu tư đã được tiến hành và đã có nhiều chủ đầu tư quan tâm tới KCN này. Để tiến độ diễn ra đúng kế hoạch, VSIP đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ đầu tư hệ thống đường giao thông chính, cấp nước, điện, môi trường...
Đặc biệt, phải di dời Nhà máy mì Tịnh Phong (hiện tại) ra khỏi KCN, bởi Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP sẽ có nhiều nhà đầu tư về chế biến, nước giải khát… Vì vậy việc hiện diện một nhà máy mì như hiện tại khó có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào đây. VSIP sẽ ưu tiên tạo điều kiện chuyển đổi nghề cũng như tạo việc làm cho con em những hộ dân nhường đất cho dự án.
“Nút thắt” về hạ tầng giao thông
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là dự án VSIP Quảng Ngãi xác định giao thông phải đi tiên phong nên đang tập trung tìm nguồn vốn, cũng như kiến nghị cơ chế, chính sách để tháo gỡ “nút thắt” xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý ứng vốn từ ngân sách tỉnh để cùng với Quảng Nam đầu tư hệ thống đèn tín hiệu của sân bay Chu Lai (dự toán trên 30 tỷ đồng) để trong thời gian đến sân bay này có thể tiếp nhận những máy bay lớn như Airbus.
Nâng cấp tuyến phía Nam từ sân bay Chu Lai đi Dốc Sỏi rút ngắn khoảng cách hơn 10 km so với hiện nay. Với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán 17 khu tái định cư, lập phương án bồi thường và đã giải ngân 33/60,3 tỷ đồng của giá trị phương án bồi thường được duyệt trong năm 2011 (đạt 100% kế hoạch giao, trong đó đền bù trực tiếp cho các hộ dân là 30 tỷ đồng)…
Theo ông Đặng Văn Minh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, dù đã được quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, nhưng mạng lưới giao thông tỉnh này vẫn còn nhiều yếu kém, khả năng chịu tải thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, theo quy hoạch mở rộng KKT Dung Quất từ 10,3 ngàn ha lên hơn 45 ngàn ha, thì Quảng Ngãi đang cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư.
Đánh giá hiệu quả của KKT Dung Quất thời gian qua, ông Phạm Như Sô cho rằng, KKT này luôn chiếm trên 70% GDP, trên 80% ngân sách của Quảng Ngãi nên cần sự đầu tư đúng tầm. Do vậy, Quảng Ngãi đã đề xuất Trung ương cần có cơ chế đặc thù để Dung Quất có vốn đầu tư phát triển. Trước hết, Dung Quất phải được đầu tư hạ tầng khung, tạo động lực cho sự phát triển của KKT. Cụ thể là, xem xét cho đầu tư xây dựng dự án đê chắn sóng cảng Dung Quất II; xem xét, giới thiệu nhà đầu tư thực hiện các dự án trong khu vực cảng Dung Quất II theo hình thức BOT. Bên cạnh đó cần bố trí nguồn vốn Trung ương để tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng đường Trì Bình-Dung Quất, đường Tịnh Phong-cảng Dung Quất theo hình thức BT, cũng như tìm nguồn để xây đường nối Dung Quất I với Dung Quất II...
Dù vẫn còn đó những ngổn ngang công việc cần phải làm, nhưng Quảng Ngãi đã và đang tìm ra cho mình hướng đi riêng phù hợp với vận động chung của tình hình kinh tế đất nước. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, phải kiến tạo môi trường phát triển, mạnh mẽ cải cách hành chính, khai thác tối đa lợi thế KKT Dung Quất rộng trên 45.000 ha với một cảng nước sâu hiện hữu và một đang có kế hoạch triển khai để hút các dự án công nghiệp nặng.
Hà Minh