Tháng 3-2010, khi dưa hấu vụ đông ở miền Trung đang được mùa và ở “đỉnh” của vụ thu hoạch thì ở Lạng Sơn, hàng ngàn tấn dưa hấu xuất đi thị trường Trung Quốc bị mắc kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh. Dưa ứ đọng bị hư thối, đẩy người nông dân trồng dưa vào cảnh khốn cùng.
Mùa dưa hấu đắng
Quay lại cánh đồng dưa hấu lớn nhất Quảng Nam dọc triền sông Vu Gia, dưới chân cầu Quảng Huế (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Dù vụ dưa rất được mùa nhưng khác với cảnh giành nhau bán - mua như mấy năm trước, năm nay cánh đồng dưa này im vắng đến thảm hại.
Ngồi bên đống dưa hấu đặt dưới chân cầu Quảng Huế để chờ bán lẻ từng quả dưa, chị Lê Thị Hải (SN 1960, thôn Quảng Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc) than thở: “Dưa chi mà rớt thảm quá chú ơi. Mới cách đây chưa đầy 10 ngày thì 6.000 đồng/kg, bữa ni thì còn 700 đồng/kg, tui phải mang ra đường bán lẻ”. Rồi chị Hải nhẩm tính để chứng minh lời mình: Để trồng mỗi sào (500m²) dưa phải đầu tư hết 1,5 triệu đồng tiền giống, phân, thuốc, bạt che,… cộng với 65 ngày công, tiền bơm điện tưới nước mà khi thu hoạch mỗi sào chỉ được 2 tấn dưa, thu được hơn 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuê đất với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/sào. Tính ra thì vụ này người dân lỗ ít nhất vài triệu đồng/sào. Ai may mắn lắm mới hòa vốn. Đây đúng là mùa dưa hấu đắng!
Thảm hại hơn chị Hải, ông Trần Điền (50 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An) đầu tư hàng chục triệu đồng thuê đất trồng 7 sào dưa hấu giống Trang nông 12 (dưa lai - PV), nhưng khi đến cận ngày thu hoạch thì hơn phân nửa số quả dưa bị nứt toác không rõ nguyên nhân. Tưởng đâu còn vớt vát được chút vốn, ai ngờ giá dưa rớt còn khoảng 1.000kg tại ruộng nên ông Điền bỏ dưa ngoài ruộng không buồn thu hoạch. Hàng xóm của ông Điền, ông Phan Văn Nhơn lắc đầu ngao ngán: “Ổng đầu tư hàng chục triệu đánh một mùa lớn với dự tính kiếm tiền cho đứa con trai năm nay thi đại học. Ai ngờ gặp hạn, ổng bỏ luôn không thèm ra ruộng”.
Trong khi đó, tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi,… dưa hấu rớt từ 6.000 đồng/kg xuống còn 300 đồng/kg. Để “gỡ lại được đồng nào hay đồng ấy” nhiều người đã thu hoạch dưa mang đi bán lẻ tại các thành phố lớn hoặc ven quốc lộ 1A. Anh Nguyễn Đức Bảo (quê ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã phải chầu chực, thức khuya dậy sớm chờ bán từng quả dưa ngay ngã ba Đống Đa - Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Trồng dưa gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ anh Bảo gặp phải lúc giá dưa hấu xuống thấp như thời điểm hiện nay. Đầu tư hơn 50 triệu đồng, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối gần 3 tháng để trồng và chăm sóc 1ha dưa hấu. Đến ngày thu hoạch được hơn 25 tấn dưa quả, vợ chồng anh mới tá hỏa khi biết mình đã lỗ hơn một nửa vốn.
Đánh bạc với trời
Đã từ nhiều năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các tỉnh miền Trung vẫn là do người nông dân quyền… tự quyết. Đa số họ, thấy thị trường “cần gì thì trồng nấy”. Vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân miền Trung y như… đánh bạc với trời, đánh bạc với thị trường.
Còn nhớ, cách đây vài năm, một công ty của Hàn Quốc đầu tư và thu mua ớt nguyên liệu, người dân các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam cho đến Bình Định ồ ạt nhổ bắp để trồng ớt. Nhưng rồi ông chủ Hàn Quốc “bỏ của chạy lấy người”, hàng ngàn nông dân đang điêu đứng thì được tin thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh dưa hấu, thế là đổ xô đi phá ớt trồng dưa hấu. Để rồi liên tiếp trong vài năm trở lại đây, nông dân lại điêu đứng vì thị trường Trung Quốc ngưng nhập dưa bất thình lình.
Đầu vụ thị trường Trung Quốc “tung” giá dưa hấu cao vời vợi, để rồi ngay sau đó “dìm” giá xuống hết mức. Làm như thế không chỉ người nông dân trồng ra cây dưa “chết đứng” mà cả tiểu thương trong nước cũng phá sản vì dưa ế, dưa thối do mắc kẹt ở cửa khẩu.
Chuyện dưa hấu “được mùa, mất giá” ở miền Trung là không mới nhưng vẫn luôn mang tính thời sự. Gần đây nhất, năm 2009, khi hàng trăm chiếc xe chở dưa hấu bị “ách tắc” tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thì hàng ngàn nông dân trồng dưa tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai,... lâm vào tình cảnh thua lỗ. Và năm nay, điều đó lặp lại.
Làm sao giúp người nông dân miền Trung thoát khỏi vòng lẩn quẩn: “được mùa mất giá - được giá mất mùa” chính là thách thức của ngành nông nghiệp, nhiều cơ quan chức năng hiện nay.
H.Trọng – N.Khôi