Đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển: Nhờ đột phá trong chỉ đạo, điều hành

Từ đầu nhiệm kỳ 2006-2010, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ đó đã tạo bước chuyển đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển: Nhờ đột phá trong chỉ đạo, điều hành

Từ đầu nhiệm kỳ 2006-2010, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ đó đã tạo bước chuyển đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

* PV: Thưa đồng chí, đến thời điểm này đã có thể khái quát kết quả nhiệm kỳ 2006-2010. Đồng chí đánh giá thế nào về mục tiêu đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển?

* Đồng chí HUỲNH PHONG TRANH: Lâm Đồng là một tỉnh giàu tiềm năng về đất đai, khí hậu, rừng, khoáng sản, nên rất có điều kiện để phát triển nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch… Tuy vậy, Lâm Đồng có những hạn chế do xa các trung tâm kinh tế, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, đặc biệt là giao thông, thiếu vốn, khoa học công nghệ, và cả nguồn nhân lực chất lượng cao, nên thực tế Lâm Đồng vẫn là một tỉnh miền núi nhiều khó khăn. Do đó, trong nhiệm kỳ này tỉnh xác định việc tập trung đầu tư vào những vấn đề trọng tâm trọng điểm tạo bước đột phá để tăng tốc phát triển, đưa địa phương thoát khỏi tình trạng chậm phát triển.

Kết quả 4 năm qua và ước tính năm 2010, có thể khẳng định giai đoạn 2006-2010 Lâm Đồng đã có bước chuyển đáng kể về KT-XH và ở mức trung bình khá so với các tỉnh thành trong nước. Cụ thể, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 14%; thu nhập bình quân đầu người (năm 2009) đạt gần 17 triệu đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2005; thu ngân sách tăng mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng (năm 2009 thu 2.650 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2001-2005…

Các lĩnh vực kinh tế phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao. Các ngành công nghiệp mũi nhọn tiếp tục phát triển nhanh, trong đó thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27,7%/năm; nhiều loại dịch vụ mới ra đời, nhiều khách sạn tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng, một số khu du lịch tiếp tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Lượng khách du lịch năm 2009 đạt 2,5 triệu lượt, ước năm 2010 đạt 3 triệu lượt, tăng gấp 2 lần năm 2005.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở mức cao (năm 2009 đạt 93,25%), đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm (từ 26,7% năm 2005 xuống còn 8,5% năm 2009); an ninh chính trị được giữ vững.

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm của Lâm Đồng. Trong ảnh: Trồng hoa trong nhà kính tại Đà Lạt.

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm của Lâm Đồng. Trong ảnh: Trồng hoa trong nhà kính tại Đà Lạt.

* Việc xác định những chương trình trọng tâm, những công trình trọng điểm là nét mới trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh?

* Xác định những chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm thực sự là việc làm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Đầu nhiệm kỳ, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định những chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm, để từ đó có sự đầu tư thích đáng, tập trung chỉ đạo, điều hành. Bởi vì khi xác định đã là trọng tâm, trọng điểm thì đây chính là những đòn bẩy nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực, bức xúc, tác động và thúc đẩy mạnh đến việc phát triển KT-XH và dân sinh. Đối với Lâm Đồng, đó là thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo.

Các chương trình, công trình này được chỉ đạo thực hiện với một quyết tâm cao và đã phát huy tác dụng một cách rõ rệt, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH ở địa phương. Ấn tượng nhất là chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình này đã tạo bước nhảy vọt về nhận thức của nhà nông trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ở Lâm Đồng, hiện giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt tới 64 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước.

Các công trình trọng điểm như đường cao tốc Đà Lạt- Đức Trọng, sân bay Liên Khương, thủy điện Đại Ninh, thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, dự án bauxit… được tập trung triển khai nhanh. Các công trình này đi vào hoạt động đã thực sự đem lại hiệu quả, tạo bước chuyển rõ rệt trong phát triển KT-XH địa phương.

* Kinh nghiệm lãnh đạo của đồng chí?

* Phải tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với thu hút đầu tư từ bên ngoài, phải coi trọng phát huy nội lực. Ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế so với các địa phương khác; phát triển kinh tế phải song hành với bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; và điều quan trọng là lãnh đạo phải sát thực tế. Những mục tiêu, chủ trương đề ra phải sát thực, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tổ chức thực hiện, đó là yếu tố quyết định thắng lợi.

* Xin cảm ơn đồng chí!  

BÍCH HIỀN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục