Phát biểu đầy xúc động ngay sau khi Hiến pháp sửa đổi được biểu quyết thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã không quên nhắc nhở: Để Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, có rất nhiều công việc phải làm, cả từ phía những nhà điều hành đất nước cho đến mỗi công dân của nước CHXHCN Việt Nam. Tất nhiên, đó cũng không phải là công việc của một ngày, một tháng, thậm chí một năm...
Ngay trong ngày đầu năm mới 2014, một tín hiệu đáng mừng mà nhiều người cảm nhận được là tinh thần dân chủ của bản Hiến pháp đã thấm đẫm trong thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thông điệp chính là sự thể hiện cụ thể tinh thần của Hiến pháp bằng những định hướng chính sách phát triển của đất nước trong thời gian tới; đáp ứng những mong muốn, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng khẳng định: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại”. Thông điệp của Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.
Để đưa nhanh Hiến pháp vào cuộc sống, trước hết những tinh thần mới của Hiến pháp cần phải được quán triệt sâu sắc trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Điểm lại các cụm từ được sử dụng trong bài viết của Thủ tướng, một nhà thống kê học cho biết, những từ ngữ, khái niệm đề cập đến “viễn cảnh đất nước” được nhắc đến 90 lần, “dân quyền” được nhắc đến 94 lần. Đó là những khái niệm có tần suất xuất hiện cao nhất; một trong những đặc điểm cho thấy tư tưởng thể hiện nhất quán trong thông điệp của Thủ tướng. Về chính trị, đó là xây dựng dân chủ thật sự và tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước. Về kinh tế, đó là cải cách hành chính, cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Một ví dụ về cải cách hành chính, tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên: “Ai cũng muốn ôm quyền thì cải cách sao được!”. Thực tế cuộc sống cho thấy dù Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt thực hiện đề án tổng thể về cải cách hành chính, nhưng người dân hay doanh nghiệp hễ phải làm việc gì có dính tới thủ tục hành chính, giấy tờ là đều thấy khó khăn. Xét về mặt kinh tế thị trường, lãng phí thời gian cũng là lãng phí tiền bạc. Bởi vậy, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng chính là cách tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả nhất cho xã hội.
Tất nhiên, nói cải cách không phải là cải cách được ngay, bởi như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Cải cách thủ tục hành chính là phải giảm bớt quyền lực của cơ quan nhà nước đi”. Điều này quả là khó bởi từ bỏ quyền lực chắc chắn là điều không dễ dàng. Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng, để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, nhà nước phải làm tốt “chức năng kiến tạo phát triển”. Nghĩa là nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, mỗi cán bộ công chức trong bộ máy cần phải thay đổi tư duy từ cách quản lý can thiệp trực tiếp sang chức năng “kiến tạo phát triển”. Đương nhiên, bên cạnh quyết tâm chính trị của những người đứng đầu bộ máy, cần phải có những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ để việc cải cách thực sự đi vào cuộc sống.
Nếu những tư tưởng trên được quán triệt sâu sắc trong hệ thống pháp luật và quá trình thực thi, đây thật sự là một bước tiến lớn của năm 2014. GS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, bình luận: “Các cơ quan lãnh đạo và quản lý, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo và quản lý theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” mà cần tạo ra không gian rộng mở qua thể chế dân chủ để người dân thật sự làm chủ. Dân chủ chỉ có thể thực hiện tốt khi Nhà nước mạnh mẽ, luật lệ nghiêm minh, bộ máy Nhà nước tinh gọn, với đội ngũ công chức liêm chính và tinh thông chuyên môn nghiệp vụ.
ANH THƯ