Chiều 7-4, lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón. Ngay sau lễ đón, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm chính thức cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (ảnh).
Củng cố tin cậy
Hai Tổng Bí thư đã đi sâu trao đổi thẳng thắn và đạt được nhận thức chung quan trọng, sâu rộng về một số định hướng và biện pháp lớn nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển thực chất, lành mạnh, ổn định và bền vững trong thời gian tới. Duy trì và tăng cường hơn nữa các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, coi đây là cơ chế trao đổi có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng không thể thay thế để tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, duy trì và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển bền vững; đồng thời, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò các cơ chế hiện có để kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh, duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định trong quan hệ giữa hai nước. Tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung đã đạt được.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm thành quả Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là có những dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại tiên tiến, tiêu biểu cho trình độ phát triển và công nghệ của Trung Quốc, ưu tiên trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đồng thời đề nghị Trung Quốc quan tâm chỉ đạo lựa chọn nhà thầu có năng lực và khả năng tài chính để các dự án đầu tư tại Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ kinh tế thương mại hai bên cơ bản tốt. Trung Quốc mong muốn nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Việt Nam.
Tuân thủ nhận thức chung về vấn đề trên biển
Đối với vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở biển Đông. Hai bên nhấn mạnh xây dựng COC là một phần quan trọng để giải quyết vấn đề trên biển. Trung Quốc đang cùng ASEAN bàn bạc nhiều lần để xây dựng COC.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ trong năm 2015. Phía Việt Nam hoan nghênh và sẽ tích cực nghiên cứu tham gia các sáng kiến kết nối khu vực do Trung Quốc đề xuất trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi cho tất cả các bên.
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sớm sang thăm chính thức Việt Nam; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Sau buổi hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đồng chí lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan hai nước, gồm: Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020; Hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc; Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ (MOU) giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc; Điều khoản tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc; Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Bản ghi nhớ về hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. |
VIỆT ANH