Hơn 23 giờ đêm, bộ hài cốt cuối cùng đã được đưa về đến tận nhà. Dù mệt, nhưng các cựu chiến binh (CCB) Ban liên lạc truyền thống Đoàn 429 đặc công đều vui và hạnh phúc vì họ vừa thực hiện xong nhiệm vụ thiêng liêng, mang nặng nghĩa tình đồng đội.
Đêm cuối với đồng đội
Mỗi lần họp mặt, các CCB Ban liên lạc truyền thống Đoàn 429 đặc công lại bàn đến việc đưa hài cốt anh em đang quàn tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên về quê nhà. Thượng úy Lương Đại Phúc, phó ban liên lạc, cho biết: “Có rất nhiều phần mộ của đồng đội vẫn còn ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên. Bằng mọi cách, chúng tôi phải đưa các anh về quê nhà theo nguyện vọng của các gia đình”. Công việc đầu tiên của ban liên lạc là chụp ảnh tất cả mộ bia. Một mặt, các CCB gửi thông báo về địa phương, mặt khác các anh vận dụng mọi quan hệ để liên lạc với gia đình liệt sĩ. Riêng các tỉnh phụ cận và đồng bằng sông Cửu Long, anh em phân công nhau tìm về tận gia đình để thông báo.
Cuối tháng 11-2011, ban liên lạc tổ chức lễ cải táng và đưa 7 hài cốt liệt sĩ về các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. “Chúng tôi chọn các tỉnh này vì cùng trên một tuyến đường. Việc di chuyển sẽ đỡ tốn nhiều thời gian, công sức”, anh Phúc giải thích. Một thành viên ban liên lạc, anh Trần Hồng Hà tâm sự: “Tôi đón gần 20 thân nhân gia đình của liệt sĩ ở TPHCM, rồi đưa về khu vực nghĩa trang tỉnh Tây Ninh để làm thủ tục. Do không có chuyến xe nào về khu vực này, chúng tôi phải đi xe “chuyền” 3 lần (chuyển từ tuyến xe này qua tuyến xe khác) và đi bộ gần 10km. Đi từ sáng sớm đến đầu giờ chiều mới tới nơi. Đêm đến, thủ tục cải táng hài cốt hoàn tất, chúng tôi ngủ lại đêm cuối cùng với đồng đội ở nghĩa trang”.
Út ơi!
Hơn 8 giờ ngày 18-11, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên và tiến hành các thủ tục cải táng hài cốt 7 liệt sĩ. Chị Đỗ Thị Ba (thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Út) xúc động cho biết: “Hơn 20 năm qua, gia đình tôi không hề biết phần mộ của anh Út được đem về đây. Hôm bữa, mấy chú CCB đến nhà cho coi tấm ảnh mộ bia, má tôi mừng hết biết. Không biết phần mộ anh Út có còn ở đây không? Từ chiều hôm qua đến giờ, kiếm giáp vòng nghĩa trang mà không gặp”. Anh Lương Đại Phúc dẫn chị Ba về phía một dãy mộ: “Sao mà không còn. Đây, đúng tên anh Út không?”. Chỉ kịp nhìn thấy hàng tên, chị Ba quỳ sụp xuống, gục đầu vào bia mộ và khóc nức nở.
Đã quá quen thuộc với việc làm nghĩa tình này nhưng khi sắp xếp hài cốt của anh Út thì các anh đều rưng rưng vì quá xúc động trước sự hy sinh anh dũng của anh Út trong trận đánh ác liệt với kẻ thù. Trung tá Bùi Quang Hoành kể: “Trận Xoài Bợ (tỉnh Xiêm Riệp, Vương quốc Campuchia) là một trận đánh không cân sức. Quân ta bị địch bao vây tứ phía với hỏa lực rất mạnh. Khi rút quân, về đến đơn vị, kiểm lại thì còn thiếu anh Út. Đại tá Nguyễn Văn Bé, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 302 (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 7) quyết định tăng cường lực lượng, hỏa lực mạnh, bí mật tấn công địch và giành lại thi thể anh Út. Lúc tìm được thi thể anh Út đã không còn nguyên vẹn”.
Hơn 23 giờ đêm, hài cốt của anh Út đã về đến quê nhà. Việc di chuyển hài cốt anh Út được tổ chức trang trọng với sự tham gia của hàng trăm người dân tại con hẻm nhỏ ở phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ai cũng lo cho má anh Út đang bị bệnh tim rất nặng và phải chích thuốc trợ tim mỗi ngày. Linh tính báo trước hay có một sức mạnh vô hình nào đó, mẹ anh Út lò dò đi ra. Bà ôm cái quách trong lòng, nức nở: “Út ơi! Con đi đâu mà bỏ má lâu quá vậy con”. Hơn 20 năm chờ đợi mỏi mòn, nước mắt của người mẹ lăn dài trên đôi gò má hốc hác… Ai cũng xót xa và quay mặt đi nơi khác để kìm nén dòng nước mắt. Anh Phúc nói nhỏ: “Anh em chúng tôi còn mắc nợ anh Út nhiều lắm. Tôi đang vận động để xây lại nhà cho gia đình anh Út”. Nhìn mái nhà xiêu vẹo và 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công vừa được ép nhựa sáng nay, dán trên tường nhà, chúng tôi chỉ mong sao má anh Út sắp tới có ngôi nhà không còn dột và xiêu vẹo nữa.
Đoàn Hiệp