Đức cải cách lương hưu

Theo kế hoạch cải cách lương hưu từ năm 2021, Chính phủ Đức sẽ chi 1,3 tỷ EUR/năm (tương đương 1,4 tỷ USD/năm) để nâng mức lương hưu cơ bản cho khoảng 1,3 triệu người có thu nhập thấp. Sau khi được chính phủ “bật đèn xanh”, dự luật này vẫn cần Quốc hội Đức thông qua.

Đánh giá cao kế hoạch trên, Bộ trưởng Bộ Lao động Hubertus Heil khẳng định việc thiết lập mức lương hưu cơ bản mới sẽ góp phần đem lại công bằng xã hội. Ông nhấn mạnh cải cách này sẽ mang lại lợi ích cho phụ nữ, nhất là những người bị trả lương thấp trong lĩnh vực dịch vụ. Việc tăng lương cũng là tín hiệu tích cực cho cộng đồng sinh sống ở miền Đông, nơi rủi ro kinh tế và sức mua thấp đã góp phần làm tăng sự ủng hộ cho đảng cực hữu trong các cuộc bầu cử gần đây. Thời gian gần đây, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bất đồng về kế hoạch cải cách lương hưu trong bối cảnh Đức đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa. Do đó, việc đạt được sự đồng thuận trong kế hoạch cải cách lương hưu mới đã phần nào giải tỏa bớt áp lực cho người lao động, nhất là những người có thu nhập thấp. Mức lương hưu cơ bản sẽ được nâng với những người có thu nhập hàng năm không quá 15.000 EUR (16.167 USD) và cặp vợ chồng có mức thu nhập chung mỗi năm là 23.400 EUR (25.500 USD). Theo tính toán của Bộ Lao động Đức, một người có thu nhập thấp với 35 năm lương hưu cơ bản có thể nhận được khoản bổ sung hàng tháng khoảng 400 EUR (436 USD)

Cơ quan Thống kê Quốc gia của Đức cho biết, trong năm qua, dân số nước này đã đạt mức cao kỷ lục 83,2 triệu người nhờ sự gia tăng số người nhập cư, tuy nhiên tốc độ tăng dân số của Đức lại ở mức chậm nhất kể từ năm 2012. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo, sự suy giảm về nhân khẩu trong tương lai ở Đức sẽ khiến hệ thống lương hưu chịu áp lực đáng kể, đặc biệt từ giữa năm 2020. Bandesbank cho rằng, mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 dường như chưa đủ bởi lẽ số người nghỉ hưu sẽ tăng đột biến vào giữa năm 2020 trong khi tuổi thọ của người Đức tiếp tục được cải thiện. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel dự kiến triển khai việc tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2020, nhưng nhiều khả năng điều này sẽ khó thực hiện được trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2021. Hiện tại, các đảng trong liên minh cầm quyền Đức chưa muốn triển khai tăng tuổi nghỉ hưu theo kế hoạch do còn dồn sức cho một số kế hoạch trọng tâm cho cuộc đua bầu cử vào năm sau.

Tình trạng già hóa dân số đang tạo ra thách thức đối với hệ thống hưu trí của nước này và là một trở ngại đối với những công ty trong nước muốn thuê lao động có tay nghề. Quỹ Bartelsmann của Đức cho biết từ nay đến năm 2060, nước Đức cần ít nhất 260.000 người nhập cư mới mỗi năm để đối phó tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động do suy giảm dân số. Theo kết quả nghiên cứu gần đây, nếu không có người nhập cư thì với tình trạng dân số già hóa như hiện nay, lực lượng lao động ở Đức vào năm 2060 ước tính sẽ giảm 1/3, khoảng 16 triệu người

Tin cùng chuyên mục