Đức kêu gọi EC đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ

Ngày 1-8, kênh Russia Today đưa tin Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đáp trả các biện pháp trừng phạt do Quốc hội Mỹ đề xuất nhằm vào Nga bởi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cung cấp gấp đôi lượng khí đốt cho châu Âu
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cung cấp gấp đôi lượng khí đốt cho châu Âu
Vi phạm luật pháp quốc tế

Theo bà Zypries, Đức và châu Âu không muốn có chiến tranh thương mại nhưng các biện pháp mới của Mỹ nhắm vào Nga có thể gây phương hại tới các hoạt động thương mại và các công ty của châu Âu, trong đó có Đức, tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu. “Mỹ không thể trừng phạt các công ty của Đức đang hoạt động kinh tế ở một quốc gia khác, điều này là vi phạm luật pháp quốc tế. Berlin khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga”, bà Zypries nói. 

Trước đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga, gây ảnh hưởng tới các công ty châu Âu. Ông nhận định chính sách trừng phạt là công cụ không phù hợp và không thỏa đáng. Nhiều quốc gia châu Âu cũng chỉ trích Washington về ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt mới này. Tuy nhiên, ngày 1-8, hãng Sputnik cũng dẫn lời Ngoại trưởng Đức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thông qua quyết định thắt chặt biện pháp trừng phạt đối với Nga và Mỹ dự kiến tham vấn ý kiến châu Âu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ông Gabriel cho biết sẽ sử dụng cơ hội này để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. “Mục đích của biện pháp trừng phạt chống lại Mátxcơva là khắc phục khủng hoảng Ukraine. Mục tiêu này có thể đạt được, khi chúng ta đoàn kết hành động. Còn đối với chính sách công nghiệp của Mỹ dưới vỏ bọc biện pháp trừng phạt, chúng ta sẽ đẩy lùi nó”, ông Gabriel nói.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hiện đang đáp ứng 1/3 nhu cầu về khí đốt của châu Âu, cung cấp 179 tỷ m3 khí cho châu Âu năm 2016. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 dự kiến sẽ cung cấp lượng khí lớn gấp đôi so với hệ thống hiện tại với giá thành rẻ hơn so với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Phương hại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Alexander Grushko cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga không chỉ giáng một đòn mạnh vào luật pháp quốc tế cùng nền tảng hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại mà còn gây phương hại nghiêm trọng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo ông Grushko, Mỹ không chú ý đến những lợi ích hợp pháp của mình khi soạn thảo dự luật trừng phạt Nga nên chắc chắn Washington sẽ tạo ra sự rạn nứt trong mối liên kết thống nhất xuyên Đại Tây Dương. 

Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định nếu Tổng thống Donald Trump ký thành luật dự luật trên, hy vọng về việc cài đặt lại mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva như ông Donald Trump từng tuyên bố nhiều khả năng sẽ tan vỡ. Andrey Sushentsov, Giám đốc chương trình của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai và là nhà phân tích thuộc Viện quan hệ quốc tế nhà nước của Nga, tuyên bố nếu các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra, ông Donald Trump sẽ bị xem là một tổng thống yếu đuối. Giới lãnh đạo Nga sẽ coi ông Donald Trump là một đối tác không đáng tin cậy vì Quốc hội Mỹ rõ ràng đã không đếm xỉa đến quan điểm của ông về quan hệ Nga-Mỹ. Nếu quỹ đạo hiện nay của các mối quan hệ song phương tiếp tục đi xuống, ông Sushentsov cảnh báo Nga có thể đi đến kết luận rằng quan hệ Nga-Mỹ sẽ trở nên thù địch trong tương lai gần. Điều này không hề có lợi cho Mỹ trong việc giải quyết rất nhiều hồ sơ quốc tế mà Nga có tiếng nói quan trọng như Syria, chống khủng bố… Lệnh trừng phạt Nga sẽ còn thúc đẩy Nga tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ với Trung Quốc, điều mà Mỹ không hề muốn thấy.

Tin cùng chuyên mục