Ngày 4-3, hãng BBC đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc Đức hậu thuẫn và chứa chấp khủng bố, đồng thời khẳng định nhà báo 43 tuổi mang hai quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel, làm việc cho tờ Die Welt, bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam là một gián điệp người Đức. Những diễn biến mới nhất này đang làm gia tăng nguy cơ căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổn hại quan hệ nghiêm trọng
Nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích nhà chức trách Đức thiên vị, cho phép những lãnh đạo người Kurd phát biểu, trong khi lại ngăn chặn các cuộc mít tinh của người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến có các bài phát biểu. Sau Gaggenau và Cologne, đến lượt Frechen quyết định hủy một cuộc mít tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc mít tinh này dự kiến diễn ra vào ngày 5-3, đã bị hủy với lý do bên cho thuê địa điểm không đồng ý cho tổ chức một sự kiện mang tính chính trị.
Người dân Đức biểu tình kêu gọi thả nhà báo Deniz Yucel
Nơi đầu tiên ở Đức hủy các cuộc mít tinh của người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ là Gaggenau vì lý do khán phòng quá nhỏ, không đảm bảo không gian. Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag có kế hoạch phát biểu tại cuộc mít tinh này. Vì vụ việc này, ông Bozdag đã tức giận hủy luôn cuộc gặp với Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas và quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít tinh lớn ở Đức trong cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ với tham vọng tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc cải cách hiến pháp vào tháng 4 tới, qua đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
Trước đó, hôm 27-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ phóng viên Deniz Yucel làm việc cho tờ Die Welt của Đức. Chính quyền Berlin tuyên bố vụ bắt giữ phóng viên người Đức đang điều tra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hai nước.
Liên tiếp mâu thuẫn
Trên thực tế, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 năm ngoái. Đức đã nhiều lần chỉ trích việc trấn áp của chính quyền Ankara sau vụ đảo chính, coi đây là hành động coi thường nền pháp trị. Rồi sau đó là sự kiện bắt giữ Yucel của Ankara làm Berlin “giận tím mặt”.
Thêm nữa, việc Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng với cam kết của Liên minh châu Âu (EU) trong việc để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này cũng góp phần làm quan hệ 2 nước thêm căng thẳng. Ankara đã tố Brussels “hai mặt” khi yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trong việc kiềm chế lượng người tị nạn, di cư để đổi lại việc nối lại đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tuy nhiên, khối này, trong đó có Đức, tỏ ra không hài lòng với các chiến dịch trấn áp phe đối lập sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7 của Ankara khi cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với các tiêu chuẩn hiến pháp của EU.
Một nguồn tin ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel đã có cuộc điện đàm ngày 3-3 và nhất trí sẽ gặp nhau vào ngày 8-3. Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, cuộc gặp có thể diễn ra ở Đức. Ngoại trưởng Đức khẳng định Berlin sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì đối thoại với Ankara.
Giới quan sát nhận định, Đức vẫn rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề người di cư nên chắc chắn Berlin không muốn đẩy căng thẳng ngoại giao đi xa hơn. Di cư đang khiến chính quyền Berlin gặp khó và vì vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải công du đến Tunisia và Ai Cập để tìm kiếm thêm sự hỗ trợ cho vấn đề này. Nhà lãnh đạo Đức đang phải chịu sức ép giảm số người tị nạn đến quốc gia này, ước tính đã lên tới hơn 1 triệu người kể từ năm 2015.
ĐỖ CAO (tổng hợp)