Đức tính nghĩa hiệp và Giải thưởng Lục Vân Tiên

Nói đến văn học và văn hóa Nam bộ thời cận, hiện đại thì nhân vật đầu tiên phải nói đến là Nguyễn Đình Chiểu. Bằng sự nghiệp văn chương, giáo dục, y học và nhân cách lớn, từ lâu ông đã trở thành nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Nam bộ và có sức ảnh hưởng khắp trong lẫn ngoài nước.

Với truyện thơ Lục Vân Tiên sớm được dịch và in ở Pháp từ năm 1864, Nguyễn Đình Chiểu trở thành tác giả văn học Việt Nam đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài, trước cả Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch sang tiếng Pháp, đến 20 năm. Và bây giờ Nguyễn Đình Chiểu cũng trở thành người Nam bộ đầu tiên được UNESCO tôn vinh Danh nhân Văn hóa thế giới.

Triết lý, tình yêu, sứ mệnh và nguồn cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu toát lên qua hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện thơ bất hủ cùng tên. Tình cờ giữa đường gặp đảng cướp “sơn đài” Phong Lai bắt bớ con gái nhà lành, Lục Vân Tiên “nổi trận lôi đình” ra tay cứu giúp. Nghĩa cử Lục Vân Tiên tả xung hữu đột cứu Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên là hình ảnh gây ấn tượng nhất trong truyện thơ, đồng thời đó cũng là tính cách chi phối những đức tính khác của nhân vật và chính cuộc đời cụ Đồ Chiểu, như sự hiếu thảo, chung thủy, nghĩa tình, bao dung, độ lượng. Đức tính tốt đẹp đó vốn được cha ông hun đúc từ thuở khẩn hoang mở đất lập làng. Đức tính ấy đã trở thành triết lý sống, một thứ đạo, đạo làm người, là di sản quý báu của người Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên trong diễn văn tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại đất Ba Tri, Bến Tre nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Đồ Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gây bất ngờ, xúc động và đồng tình khi phát biểu: “Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre nghiên cứu có quy chế ban hành Giải thưởng Lục Vân Tiên đối với những người trẻ tuổi can đảm và nghĩa hiệp, xả thân cống hiến, phục vụ xã hội và cộng đồng”.

Có người đặt vấn đề rằng, mấy mươi năm qua đã có Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre thì có nên đề ra thêm Giải thưởng Lục Vân Tiên? Cũng cần nói thêm, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu chỉ hạn chế trong phạm vi văn học nghệ thuật một tỉnh và dành cho các tác giả người Bến Tre hoặc tác giả ngoài tỉnh viết về Bến Tre. Trong khi đó, Giải thưởng Lục Vân Tiên mà Chủ tịch nước đề xuất mang tầm quốc gia, mục đích hướng tới “những người trẻ tuổi can đảm và nghĩa hiệp, xả thân cống hiến, phục vụ xã hội và cộng đồng”. Nghĩa là giải thưởng không hạn hẹp trong một tỉnh, một ngành mà hướng tới toàn xã hội và cả nước

Từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình. Giữa lúc tác giả của Lục Vân Tiên vừa được UNESCO tôn vinh với nghi lễ trang trọng, mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả nước, rất mong đề nghị trên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sớm được thực hiện. Đó cũng là cách hậu thế thêm lần tri ân và trân trọng di sản của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tin cùng chuyên mục