Mấy ngày qua, nhiều người dân ở huyện Tân Hưng tỉnh Long An, đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của Báo SGGP, phản ánh việc huyện Tân Hưng tỉnh Long An đã bỏ phí nhiều cây cầu sắt, trong khi dân của nhiều xã trong huyện không có cầu để đi.
Tuyến đường 79 (trải đất đỏ) từ thị trấn Tân Hưng đến xã biên giới Hưng Điền dài khoảng 30km, nhưng có 9 con kinh lớn nhỏ cắt qua. Trước đây, huyện cho bắc cầu sắt nhỏ qua những con kinh này và nay đã thay bằng cầu bêtông cốt thép kiên cố. Vì thế, người dân ở đây rất mừng, không còn lo sợ mỗi khi chạy xe gắn máy qua cầu vào mùa nước lũ, nhất là khi có mưa bão.
Dù vậy, theo người dân, mấy cây cầu sắt này vẫn còn tốt, có thể dùng để bắc qua những đoạn kinh nhỏ thuộc các ấp trong vùng sâu, xa của huyện. Thế nhưng, không hiểu vì sao gần năm nay, mấy cây cầu sắt này bị bỏ không, trong khi đó ở nhiều nơi người dân không có cầu để qua lại.
Thật là lãng phí! Đó là nhận xét của nhiều người dân ở đây khi nhìn thấy những cây cầu sắt còn tốt nhưng không được tái sử dụng. Do bị bỏ hoang khá lâu nên một số người dân đã tự ý lột hết sàn gỗ trên mặt cầu, để trơ lại bộ khung sắt của cây cầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết: Huyện đang đốc thúc các xã tháo dỡ cầu sắt cũ đem về bắc qua các con kinh nhỏ, tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các xã “phân vân” chưa chịu tháo dỡ mấy cây cầu sắt cũ mà huyện đã cho là vì thủ tục tháo dỡ mấy cây cầu này quá nhiêu khê, chi phí tháo dỡ lại cao hơn giá trị thật của nó. Trong khi đó, nếu chính quyền để người dân tự tháo dỡ thì chi phí sẽ thấp hơn nhiều và những cây cầu nói trên sẽ sớm được tái sử dụng.
Nhiều người lắc đầu nói: Cứ để cù cưa kiểu này thì thật là lãng phí! Vì cầu sắt sẽ hư hỏng, còn người dân thì không có cầu để đi.
ĐĂNG NGUYÊN