Đừng để “chim đầu đàn” đuối sức

Dự thảo đề án xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và người quản lý DNNN đã được Bộ KH-ĐT trình lên chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu được Thủ tướng chấp thuận thì có thể triển khai thí điểm việc đánh giá theo tiêu chí mới từ năm 2022.

Thực tế, một trong những lý do quan trọng khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là do thiếu áp lực cạnh tranh bên trong và bên ngoài. Việc đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của DNNN có thể giúp kích thích cạnh tranh, tạo thêm động lực, làm mới mô hình hoạt động của DNNN. Trong lúc chờ đợi quyết định từ Chính phủ, bức tranh toàn cảnh về khối DN này trong mắt các nhà quan sát kinh tế, dường như gói gọn trong các từ: “nhỏ đi, mờ dần” - theo cách nói của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Chủ trương đúng đắn và được quán triệt xuyên suốt trong quá trình cải cách DNNN là phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN. Tất nhiên, đó phải là một tiến trình hướng đến mục tiêu đổi mới quản trị DN, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước. Quy mô, tài sản của DNNN sau cổ phần hóa chắc chắn giảm, nhưng phương thức quản trị và sử dụng nguồn lực được đổi mới, hiệu quả hơn. Nói cách khác, “nhỏ đi” không phải chuyện đáng sợ, vì bé hạt tiêu tốt hơn “người khổng lồ chân đất sét”. Nhưng “mờ dần” thì thực sự đáng quan ngại! Có hàng loạt nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên: cơ quan chủ sở hữu vốn chưa thực sự làm nhà đầu tư đúng nghĩa trong kinh tế thị trường mà chỉ chú ý nhiều đến quản lý nhà nước; mục tiêu đầu tư của Nhà nước tại DN không rõ ràng, lẫn lộn giữa mục tiêu đầu tư kinh doanh của DN với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ cho công dân; DNNN bị hạn chế quyền tự chủ đầu tư, tự chủ kinh doanh mà phải xin ý kiến và thực hiện theo quy tắc, trình tự hành chính…

Theo những số liệu cập nhật, hiện nay, DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại là đóng góp từ DN tư nhân và DN FDI. Trong khi đó, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN. Phần lớn DN công nghiệp, trong đó bao gồm nhiều “ông lớn” DNNN, vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Hệ số đầu tư (ICOR) của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác; mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản của DNNN không những thấp mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian…

Trong 10 năm qua, Chính phủ đã thực hiện 2 đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả DNNN và đều có 3 nội dung cơ bản là: áp đặt kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng; áp dụng quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế; cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ. Trong khi 2 nội dung đầu chưa thực hiện được là bao, thì nội dung thứ 3 không hoàn thành mục tiêu.

Chính vì thế, đổi mới tư duy và cách thức quản lý vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh và tiếp tục cải cách mạnh mẽ DNNN để hiện thực hóa những mục tiêu đúng đắn đã đặt ra trong các đề án đã và vẫn là yêu cầu hết sức cấp thiết. Một kiến nghị cụ thể rất đáng xem xét là tất cả DNNN cần niêm yết trên thị trường chứng khoán, trước hết là các DN trong các ngành, nghề đang đối mặt với cạnh tranh quốc tế. Lựa chọn và thực hiện niêm yết được trên thị trường chứng khoán là một bước tiến có tính quyết định về chất lượng quản trị DNNN, tạo điều kiện tốt cho đổi mới và phát triển DNNN và đầu tư của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục