Đừng để người nghỉ hưu phải mỏi mòn chờ đợi

Đọc loạt bài “Công nhân về hưu thành… người nghèo” đăng trên Báo SGGP, nhóm bạn già chúng tôi rất tâm đắc, bởi lẽ bài báo đã nêu lên được một vấn đề nóng, tồn tại bấy lâu nay mà chẳng ai quan tâm, kêu cho những người về hưu.

Ông bạn tôi vốn là công nhân một công ty, nghỉ hưu hồi đầu năm nay, tính ra có thâm niên đóng bảo hiểm gần 30 năm, thế nhưng khi nhận sổ hưu, số tiền hưu mỗi tháng chỉ có hơn 3,3 triệu đồng, trong đó mức lương tối thiểu làm cơ sở để tính ra lương hưu chỉ vỏn vẹn 1.050.000 đồng. Trong khi đó, có những đồng nghiệp của ông, có cùng hệ số, cùng mức đóng bảo hiểm, nhưng mức lương tối thiểu lại được tính là 1.150.000 đồng. Thành ra, lương hưu 2 người lại khác nhau, chênh lệch hơn 300.000 đồng/tháng.

Ông bạn tôi làm đơn gửi các ngành chức năng, thắc mắc vì sao như vậy, thì được giải thích là do có sự khác biệt của người nghỉ hưu trước và sau ngày có văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (văn bản 4409 ngày 6-11-2013). Theo đó, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 1-5-2013. Trong thời gian này, BHXH đã tạm thời có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH kể từ ngày 1-7-2013 cho các đối tượng nêu trên phải tạm thời căn cứ mức lương tối thiểu chung để giải quyết chế độ BHXH. Các trường hợp khác, có chênh lệch và khác biệt cũng đều là “giải quyết tạm thời để chờ văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ LĐTB-XH”. Dù văn bản đã giải thích như vậy, nhưng không biết bao giờ mới thoát khỏi tình trạng “tạm thời” như hiện nay.

Một ông bạn khác của tôi cũng nghỉ hưu cách nay vài năm theo diện mất sức, lương hưu chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Con cái cũng không khá giả nên không giúp đỡ được gì cho ông. Cứ mỗi lần nghe thông tin Nhà nước tăng lương tối thiểu, ông lại đi dò hỏi xem lần này lương hưu sẽ thêm được bao nhiêu…

Khi đặt vấn đề lương hưu của công nhân, báo chí đã với tay đến một vấn đề xã hội nóng bỏng, thiết thân, một vấn đề mà “ai cũng biết nhưng… chẳng ai nói”. BHXH cứ la làng là sắp “vỡ quỹ”. Ở hành lang Quốc hội, phóng viên cứ săn tìm ý kiến bàn tán nên hay không nên tăng tuổi hưu. Có người đề nghị tăng mức đóng BHXH, người thì phản đối rằng “phải có lộ trình”… Tất cả cứ loay hoay trong khi Bộ luật Lao động 2012 đã có hiệu lực, theo đó Điều 90 quy định rõ: Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp hoặc các khoản bổ sung khác. Đây chính là cơ sở để đóng BHXH và người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi khi về hưu. Thế mà vẫn còn ý kiến này khác, với một cách nói rất ư hành chính: “Cần có lộ trình thực hiện…”.

“Giải quyết tạm thời, cần có lộ trình, chờ hướng dẫn..”, người lao động về hưu đã quá mệt mỏi với cách giải thích, cách nói như vậy của cơ quan chức năng hay những cán bộ có trách nhiệm liên quan. Những người về hưu sau khi đã cống hiến cả cuộc đời cho công việc, nay mỗi tháng cầm trên tay vài ba triệu đồng, phải tính toán mỏi mòn với bao nhiêu chi phí cơm áo gạo tiền. Nhiều người nhìn tô phở như một thứ xa xỉ, phải quen với gánh xôi, ly cà phê đen và chấp nhận một cuộc sống không thể tằn tiện hơn. Nói như loạt bài của Báo SGGP, họ là người nghèo nhưng lại không được hưởng “chuẩn nghèo” như những hộ nghèo khác.

Việc gì có lợi cho dân thì nên làm, làm nhanh, làm khẩn trương. Đừng để người về hưu phải chờ đợi thông tư này, hướng dẫn khác, để đến khi họ nhận được đồng lương hưu đúng nghĩa thì quỹ thời gian sống của họ đang cạn dần. Ở đây cũng cần ghi nhận những cơ quan, đơn vị đã chia sẻ với những người lao động về hưu - nhưng vẫn còn sức cống hiến - bằng cách nhận họ vào làm hợp đồng ngắn hạn như một cách “giúp người già san sẻ nỗi buồn, tăng thêm niềm vui và thu nhập”. Âu đó cũng là nghĩa cử đẹp, đáng trân trọng trong thời buổi đồng lương hưu quá èo uột….

TRẦN HƯỜNG
(quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục