Dự thảo đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ” đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến xây dựng đã chỉ ra những bất cập trong việc thu hút người tài vào các cơ quan nhà nước. Vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận và điều cần mổ xẻ là tại sao nhiều địa phương có chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi nhân tài nhưng vẫn không thành công.
Phó Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lan nêu con số không vui là dù đã chú trọng tạo nguồn, có chính sách đãi ngộ đối với tài năng trẻ vào các cơ quan nhà nước làm việc nhưng 10 năm qua TPHCM chỉ thu hút được 20% tổng số cán bộ nguồn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các chính sách đãi ngộ chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn, điều quan trọng hơn là TPHCM chưa tạo được môi trường làm việc phù hợp cho những tài năng trẻ đam mê cống hiến có thể thể hiện. Ngay cả chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM cũng rơi rụng dần người tài trẻ, có năng lực. Sự thật là sau khi về nước, nhận nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị nhà nước một thời gian ngắn, một số người cảm thấy khó hội nhập với môi trường làm việc “bị gò bó, bị săm soi” và tìm cách hoàn trả phí đào tạo rồi ra đi. Lẽ tự nhiên, họ tìm đến môi trường làm việc được trân trọng, đãi ngộ tốt hơn.
Tương tự, suốt 10 năm qua, thủ đô Hà Nội cũng chỉ thu hút được khoảng 10% thủ khoa đại học về các cơ quan nhà nước làm việc và nhiều người cảm thấy thất vọng vì bộ máy trì trệ, kém năng động. Học tập Bình Dương, Đồng Nai, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng “trải thảm đỏ” thu hút giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về làm việc. Thế nhưng, số tiền lương từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng đối với thạc sĩ, tiến sĩ, kèm chính sách đãi ngộ về nhà ở đã không tạo nổi sức hút đối với họ. Còn tỉnh Khánh Hòa, để tạo nguồn cán bộ trẻ có năng lực từ số sinh viên của tỉnh thi đại học đạt điểm cao, chính quyền có chính sách hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên được chọn nhưng nhiều sinh viên không mặn mà bởi lẽ họ phải cam kết trở về tỉnh làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.
Từ thực tế việc “trải thảm đỏ” thu hút người tài, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về các địa phương gặp không ít trở ngại, thậm chí thất bại, dự thảo đề án của Bộ Nội vụ đã nhấn mạnh phải tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp đúng. Theo đó, gốc của vấn đề không phải là xới lên chính sách hay tiếp tục kêu gọi suông mà phải có cách làm phù hợp với cơ chế thị trường cũng như sự cạnh tranh gay gắt về tuyển dụng, thu hút người tài giỏi, có năng lực đến làm việc. Phải có chính sách đủ mạnh, đủ hấp dẫn để giữ chân người tài, trí thức trẻ, và quan trọng là phải tin tưởng, tạo ra môi trường tốt nhất để họ phát huy tài năng, chuyên môn, thể hiện sự sáng tạo trong công việc, nghiên cứu khoa học… Đúng như cách đặt vấn đề của ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương): “Lâu nay chúng ta cứ nói “trải thảm đỏ” nhưng người tài cứ đến rồi lại quay đi. Nếu cứ loay hoay với bài toán sở hữu nhân tài mà không bàn đến vấn đề cốt lõi là trọng dụng nhân tài như thế nào thì sẽ khó thành công”.
Hiện nay, môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước đang bộc lộ nhiều bất cập, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, người làm được việc và có năng suất cao chiếm tỷ lệ không cao, trong khi đó số người “sáng vác ô đi, tối vác ô về” còn nhiều. Chính những người không có năng lực, làm việc yếu kém sẽ “là kỳ đà cản mũi” khiến những người có nhiệt tình, tâm huyết với công việc phải nản lòng. Vì thế, cần giảm biên chế, nhân sự, tinh gọn bộ máy và có cơ chế công khai tuyển dụng người tài vào các vị trí quản lý, chuyên viên đầu ngành, những người thực tài, có năng lực vào các cơ quan nhà nước làm việc. Một khi công tác cán bộ vẫn theo quy trình sắp xếp, bổ nhiệm và các tiêu chí tuyển dụng chưa đúng người đúng việc, sẽ khó tạo ra môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng người tài và những cống hiến, sáng tạo của họ.
Vương Thảo (Bình Tân, TPHCM)