Đừng để nông dân “tự bơi”

Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, nhiều mặt hàng rau của TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và vùng lân cận (gọi tắt là rau Đà Lạt) rớt giá thê thảm, một số vườn rau đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không đếm xỉa hoặc trả giá thấp, bán cũng không đủ trang trải chi phí thuê nhân công thu hoạch, nên nông dân đành đổ bỏ ngoài đồng.

Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, nhiều mặt hàng rau của TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và vùng lân cận (gọi tắt là rau Đà Lạt) rớt giá thê thảm, một số vườn rau đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không đếm xỉa hoặc trả giá thấp, bán cũng không đủ trang trải chi phí thuê nhân công thu hoạch, nên nông dân đành đổ bỏ ngoài đồng.

Thực ra, đây không phải là lần đầu người trồng rau Đà Lạt phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản phẩm mà họ đã một nắng hai sương làm ra bị đổ bỏ. Tình trạng được mùa rớt giá, được giá thì khan hàng, đã diễn ra triền miên ở vùng sản xuất rau lớn nhất nước, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu gắn kết giữa hoạt động sản xuất với mạng lưới tiêu thụ và thông tin về thị trường.

Đà Lạt là vùng sản xuất rau lớn và chất lượng cao nhất nước. Với điều kiện về khí hậu, độ cao, nông dân có kinh nghiệm sản xuất và tiếp cận công nghệ cao sớm, nên hoạt động sản xuất rau tại Đà Lạt đang là mục tiêu mà nông dân trong nước phải “ngước nhìn”, học hỏi, hướng đến. Hiện hàng năm Đà Lạt gieo trồng khoảng trên 50.000ha rau, trong đó diện tích rau ứng dụng công nghệ cao là khoảng 12.000ha.

Năng suất, sản lượng và giá cả các mặt hàng rau sản xuất theo hướng công nghệ cao ngày một tăng, trong đó rau cao cấp cho doanh thu trên 400 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của tỉnh. Rau Đà Lạt đã được chứng nhận thương hiệu và có mặt ở khắp cả nước và một số thị trường nước ngoài.

Một thực tế từ nhiều năm nay là thị trường tiêu thụ rau Đà Lạt quá bấp bênh. Trong số khoảng 1,7 triệu tấn rau làm ra hàng năm, lượng rau xuất khẩu chỉ đạt trên 13.000 tấn. Số còn lại được tiêu thụ nội địa, chủ yếu theo hình thức bán cho tư thương để đưa về các chợ đầu mối. Nông dân có gì bán nấy, trong khi đó thương lái thì mặt hàng nào lãi cao mới mua, không thì ép giá hoặc bỏ mặc nông dân. Không những vậy, nhiều nông dân còn chạy theo giá, thấy loại rau nào đang giá cao thì vụ sau đua nhau trồng, mà không biết phân tích nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng rớt giá như đã nêu.

Thế nhưng ngay chính thời điểm thị trường rau Đà Lạt đang ảm đạm này thì cũng có rất nhiều hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đang sản xuất, tiêu thụ rau rất ổn định. Trong đó phải kể đến các đơn vị như: Công ty TNHH Dalat G.A.P., hợp tác xã Xuân Hương, hợp tác xã Anh Đào… Ở đó, nông dân sản xuất số lượng và chủng loại rau theo đơn đặt hàng của các siêu thị, nên không lo bị ế. Còn đơn vị phân phối thì yên tâm chủ động được nguồn cung theo tiêu chuẩn chất lượng mà mình đưa ra. Điều đó cho thấy, đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất mặt hàng tươi sống như cây rau, thì việc nghiên cứu thị trường và tổ chức mạng lưới tiêu thụ là hết sức cấp thiết. Nhưng điều này không hề dễ dàng đối với nông dân, mà cần có sự tiếp sức, hỗ trợ của Nhà nước.

Thực ra, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, gần đây nhất là việc phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau tập trung đến năm 2020 để phát triển bền vững và hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài các giải pháp về đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng rau quả, tỉnh cũng chú trọng thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực thu mua và chế biến sản phẩm; xây dựng mối liên kết giữa các nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trong cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng sàn giao dịch rau, hoa và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch… Vấn đề đặt ra là việc chỉ đạo, giám sát thực hiện quy hoạch này như thế nào, tránh tình trạng quy hoạch “treo” hoặc phá vỡ quy hoạch. Có như vậy thì hoạt động sản xuất rau của Đà Lạt mới đi vào quỹ đạo bền vững, có như vậy thì nông dân mới đỡ thiệt thòi.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục