Những ngày qua, dư luận liên tiếp có những phản ứng về việc triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên dòng sông Đồng Nai. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và chính quyền địa phương đưa ra cho thấy những tổn thất về môi trường, xã hội và đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân phía hạ du sông Đồng Nai sẽ nhiều hơn là lợi ích về kinh tế mà các dự án này đem lại.
Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đưa ra thực chất chỉ là bản sao chép lại của những báo cáo đánh giá tác động môi trường đã có trước đó ở các dự án khác. Sự dối trá này đã cho các nhà quản lý, nhà khoa học một cái nhìn khác với những đánh giá sai lệch về sự tác động của môi trường, hệ sinh thái tự nhiên của Vườn Quốc gia Cát Tiên - một “ngân hàng” gien và nguồn đa dạng sinh học vô giá của đất nước. Cảnh báo đó đã thức tỉnh nhiều người về những hệ lụy do sự thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai gây ra cho cuộc sống của hàng triệu dân phía hạ du, trong đó có Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Những sai lệch từ những con số không thực của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nâng khống giá trị về hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án này mang lại. Sự dối trá này là đánh lừa dư luận và không thể chấp nhận được.
Cũng qua báo chí phản ánh, người dân biết đến những lập luận và các báo cáo khác của chủ đầu tư đưa ra có quá nhiều bất cập và không thuyết phục. Cụ thể, trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường thứ hai, chủ đầu tư khẳng định diện tích đất rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên bị mất chỉ có 137,4ha, nhỏ hơn rất nhiều so với nhiều dự án thủy điện khác phải chuyển đổi đất rừng. Tuy nhiên, để trồng bù lại diện tích đất rừng này bị mất ở đâu, bao nhiêu hécta, như thế nào thì chủ đầu tư không đưa ra được. Hay thiết kế của hai dự án này đều đặt nhà máy phát điện ngay vị trí dưới chân đập, do vậy hệ thống dây dẫn truyền tải điện sẽ đi qua nhiều cánh rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Cát Tiên - về nguyên tắc sẽ phải phá trắng - cũng chưa được chủ đầu tư tính toán một cách cụ thể mức độ thiệt hại và phương án khắc phục.
Theo các nhà khoa học, ít nhất sẽ có trên 500ha rừng bị chặt trắng để thi công hệ thống truyền tải điện đưa điện từ các nhà máy về vùng tiêu thụ. Như vậy, diện tích rừng sẽ bị mất gấp nhiều lần con số 137,4ha mà phía chủ đầu tư đưa ra. Chưa kể, khi triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện này cũng sẽ có hàng trăm hécta rừng và đất rừng phải chuyển đổi mục đích để các đơn vị thi công thiết lập hiện trường, xây dựng các công trình phụ trợ, mở đường phục vụ thi công, đi lại và vận hành nhà máy sau này. Điều này sẽ làm phá vỡ cảnh quan, thay đổi môi trường sống của nhiều loài động thực vật đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện và tình trạng chặt phá rừng chưa được xử lý có hiệu quả, đang là những bức xúc lớn của người dân hiện nay. Tính từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có hơn 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 3.060ha, rừng phòng hộ 4.411ha, rừng sản xuất 12.321ha. Việc trồng rừng thay thế mới chỉ có 8/29 tỉnh thực hiện với diện tích là 735ha (bằng 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi).
Rõ ràng, đây là con số để các ngành chức năng phải suy nghĩ, tính toán hiệu quả trên nhiều mặt, nhất là sự tác động về môi trường, hệ sinh thái do mất rừng gây ra khi quyết định đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện. Đừng để các thế hệ mai sau phải trả giá vì những lợi ích không đáng từ thủy điện mang lại.
MAI ÁNH