Đừng để “sập bẫy”

Sau khi thanh tra và xử phạt hành chính đối với các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài sai phạm - tuyển sinh “chui” - Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành TP xem xét rút giấy phép về hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài của các đơn vị sai phạm, hoạt động đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người học và chấp hành các quy định của Bộ GD-ĐT.

Sau khi thanh tra và xử phạt hành chính đối với các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài sai phạm - tuyển sinh “chui” - Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành TP xem xét rút giấy phép về hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài của các đơn vị sai phạm, hoạt động đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người học và chấp hành các quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong 4 đơn vị sai phạm gồm Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC) của Singapore, Viện Quản trị tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (SIBME) và Công ty TNHH Melior Việt Nam, có 3 đơn vị được Sở LĐTB-XH TPHCM cấp giấy phép đào tạo nghề.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH, sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM về xử lý sai phạm của ERC, SIBME và Công ty TNHH Melior Việt Nam và đã yêu cầu họ báo cáo cụ thể việc giải quyết, khắc phục hậu quả đào tạo trái phép, chậm nhất là ngày 7-11-2012. Ông Hiệp khẳng định, sai phạm vượt cấp trong tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, cử nhân của các đơn vị này quá rõ, nhất là ERC, chỉ được cấp phép đào tạo nghề ngắn hạn nhưng lại vượt cấp tuyển sinh hệ đại học, sau đại học. Sau khi xem họ báo cáo hướng xử lý và kiểm tra thực tế, sở sẽ đề nghị TP rút giấy phép hoạt động ngay.

Mặc dù đang nằm trên “thớt” và chưa biết số phận của mình tồn tại được bao lâu nhưng ERC vẫn duy trì hoạt động đào tạo như bình thường. Thậm chí, lãnh đạo của ERC còn trấn an sinh viên là “không có chuyện gì đáng lo”. Sự thật ra sao? Hiện hàng trăm học viên, sinh viên đang theo học tại cơ sở này tỏ ra lo lắng và họ chưa biết rõ quyền lợi của mình được giải quyết ra sao, được chuyển tiếp đến cơ sở đào tạo nào? Có nên học tiếp chương trình đào tạo tại Singapore hay lấy lại toàn bộ học phí? Nếu chuyển sang Singapore học thì tốn kém hơn và chưa biết hiệu quả ra sao…

Đúng như ông bà ta đã nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước khi nghe những lời “đường mật” tuyển sinh và “chọn mặt gởi vàng”, các học viên có tìm hiểu kỹ tư cách pháp nhân của cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài chưa? Chẳng lẽ với những lời mời gọi tuyển sinh như “ERC tự hào là đại diện tuyển sinh quốc tế cho các chương trình cử nhân của ĐH Greenwich (UOG) và thạc sĩ của Học viên Quản trị doanh nghiệp Úc châu” là có thể yên tâm đăng ký học? Lẽ ra, khi thấy việc đăng ký, đóng tiền là được học lấy bằng cử nhân quốc tế dễ dàng như vậy, học viên phải cảnh giác, đến cơ quan chức năng để thẩm định thông tin tuyển sinh.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế về đào tạo giáo dục, người học có quyền lựa chọn cơ hội học tốt nhất, giá cả phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu thiếu kiến thức, không biết cách kiểm tra pháp nhân, thẩm định chất lượng uy tín đào tạo của các cơ sở có yếu tố nước ngoài thì cũng dễ bị “sập bẫy, tiền mất tật mang” như đã và đang xảy ra với nhiều người. Mặt khác, sau khi cấp phép, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành kiểm tra, thanh tra xem các đơn vị đào tạo có yếu tố nước ngoài có thực hiện đúng nội dung cấp phép hay không.

Hà Khanh

Tin cùng chuyên mục