SEA Games 2003 là bước ngoặt mang tính lịch sử của thể thao Việt Nam. Sau lần đầu tiên đăng cai ấy, cả nền thể thao chuyển mình và đạt những bước nhảy được xem là thần kỳ. Từ đó đến nay, chúng ta luôn là một trong 3 nền thể thao lớn nhất khu vực, từng bước tiếp cận với trình độ châu Á và sản sinh nhiều tài năng mang đẳng cấp thế giới. Thành tựu của SEA Games 2003 là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, phía sau “cú hích” ấy là cả một câu chuyện dài, nhiều chuyện buồn về năng lực duy trì trình độ phát triển của những người làm thể thao Việt Nam. Ví dụ như ở môn điền kinh, sau SEA Games 2003, các VĐV chúng ta gần như thống trị các nội dung ngắn và trung bình trên đường chạy nữ. Tuy nhiên, sau những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương… của thế hệ SEA Games ấy là một khoảng trống vô cùng lớn mà chẳng biết bao giờ mới có người thay thế. Tương tự là thế hệ tiếp nối của Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh (bóng bàn), Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao)…
Chưa hết, sau SEA Games 2003, một loạt cơ sở vật chất tầm cỡ châu lục đang bế tắc với bài toán sử dụng sao cho hiệu quả. Giai đoạn 2 của khu liên hợp quốc gia Mỹ Đình hiện chưa biết bao giờ khởi công, khu thể thao Rạch Chiếc và khu vực trường đua Phú Thọ ở TPHCM cũng cùng hoàn cảnh khi mà hàng chục cơ sở được xây cho SEA Games 2003 vẫn chưa được khai thác hết công suất bất chấp trên lý thuyết hiện Việt Nam vẫn còn thiếu những cơ sở vật chất hoàn chỉnh, mang đẳng cấp quốc tế.
Có thể đó là lý do để ngành thể thao thực hiện đề án đăng cai Asiad 2019. Người ta lại chờ đợi một “cú hích” khác nhằm tạo một diện mạo mới cho thể thao đỉnh cao trước triển vọng thụt lùi sau Asiad 2010 và SEA Games 2011. Tuy nhiên, ngay lập tức đề án này vấp phải sự phản đối của trong và ngoài ngành thể thao.
Thể thao bao gồm phong trào và đỉnh cao. Thể thao phong trào đem lại sức khỏe, là động lực để người dân có thể làm việc tốt hơn, đem lại năng suất cao cho nền kinh tế và cải thiện đời sống xã hội. Muốn có phong trào rộng khắp thì thể thao đỉnh cao cần có thành tích, tạo thêm niềm đam mê tập luyện thể thao.
Tuy nhiên không thể vì lý do ấy mà lại phát triển thể thao đỉnh cao bằng mọi cách trong đó có việc đầu tư tìm thành tích theo kiểu hái ngọn cũng như xây dựng hàng loạt cơ sở vật chất hoành tráng để rồi lãng phí vì không thu hút người đến tập luyện, thi đấu. Tài nguyên đất cũng như không gian dành cho thể thao được ưu tiên nhưng không thể cứ xây dựng thật nhiều mà từ phong trào lẫn đỉnh cao đều không thể sử dụng.
Thực tế cho thấy các giải đấu đỉnh cao, mang tính chuyên nghiệp ngày càng ít tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Lý do thì rất nhiều nhưng chung quy là công tác tổ chức lạc hậu, năng lực vận động tài chính từ xã hội kém, khả năng tuyên truyền quảng bá đi theo lối mòn và thành tích thi đấu thì thụt lùi. Công tác xã hội hóa chậm chưa từng thấy. Nói đúng hơn, chính những người làm công tác thể thao đang tự giẫm lên chân mình khi không thể tận dụng các điều kiện sẵn có để nâng cao vị thế của ngành.
Chính vì vậy, việc đăng cai Asiad dẫu biết là cần thiết, là đem lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội nhưng nếu như chính ngành thể thao không tự mình thay đổi tư duy và cách làm thì chẳng khác nào những sự kiện mà người ta mong đợi là “cú hích” ấy chỉ đem lại cho quốc gia thêm gánh nặng ngân sách mà thôi.
Việt Quang